Dân Việt

Chất vấn, trả lời chất vấn trên Quốc hội: Sức ép khá nặng cho các bộ trưởng

Kiều Minh (ghi) 04/06/2015 05:52 GMT+7
“Hình thức chất vấn mà chúng ta đang thực hiện gây nên sức ép khá nặng nề cho các bộ trưởng vì họ phải đứng trước một diễn đàn lớn trong một thời gian dài như vậy”- TS Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với báo giới ngày 3.6 về những đổi mới trong  hoạt động chất vấn ở Quốc hội.

Có tiêu chí cụ thể nào để lựa chọn các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn hay không, thưa ông?

- Thực chất không có tiêu chí nào cụ thể, nhưng tiêu chí chính vẫn là vấn đề nào người dân quan tâm, báo chí đưa nhiều thì mình chọn. Còn nói để hình thành thước đo xem vấn đề nào bức xúc hơn, vấn đề nào nóng hơn thì rất khó. Nhưng cảm nhận sẽ thấy ngay thôi.

Ông nghĩ sao khi có những vị Bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo thường xuyên có mặt trong danh sách trả lời chất vấn. Liệu có vấn đề gì với công việc của họ hay không?

img
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại hội trường sáng 19.11.2014.         Ảnh: i.t
- Thời gian qua, giáo dục có rất nhiều đổi mới, mà những cái đổi mới còn nhiều ý kiến khác nhau, có cái ủng hộ, có cái còn băn khoăn nhưng xu hướng chung là nên ủng hộ. Những cái mới rõ ràng còn ý kiến khác nhau, mà ý kiến khác nhau sẽ dễ bị chất vấn. Ngay như việc bỏ thi với trẻ em, không chấm điểm thì những người có thói quen được con em mình khoe điểm cao sẽ thấy rất bức xúc. Cái gì cũng có 2 mặt của nó.

 

Với riêng ông, trong kỳ họp này, ông muốn chất vấn tư lệnh ngành nào nhất trong số 5 vị vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu?

- Quan điểm cá nhân là rất khó. Nhưng vấn đề rộ lên rõ ràng là ngành nông nghiệp. Bây giờ ai cũng than được mùa mất giá, nông sản không xuất được, không bán được, sức ép đè nặng lên người nông dân. Do vậy, làm thế nào để bảo vệ lợi ích của người nông dân, bộ phận chiếm số đông ở nước ta, rõ ràng là đáng được nêu ra trên nghị trường.

Dường như Bộ trưởng Bộ NNPTNT là người khá thường xuyên phải trả lời chất vấn. Phải chăng có vấn đề trong những lời hứa của Bộ trưởng ?

- Hoạt động chất vấn nên coi là cơ hội để Bộ trưởng Bộ NNPTNT giải trình chính sách, nói về những cố gắng của mình hơn là chỗ để buộc ông phải hứa sẽ thực hiện cái này, cái kia. Tất nhiên khi anh đã hứa, đã giải trình rồi thì phải làm. Có những vấn đề mới phát sinh thì phải giải trình được tại sao vấn đề đó không giải quyết được.

Có những bộ trưởng gần hết cả nhiệm kỳ Quốc hội nhưng cử tri và ĐB chưa bao giờ thấy đăng đàn giải trình trước Quốc hội dù không phải không có vấn đề nóng trong ngành đó, thưa ông?

Quan điểm
img
TS Nguyễn Sỹ Dũng
 Rõ ràng chúng ta đang hội nhập, vì thế hoạt động chất vấn và giám sát nên theo chuẩn chung của thế giới, cả về khung khái niệm và hình thức tổ chức”. 
- Tất nhiên là có những vấn đề đặc thù. Ví dụ như những vấn đề quốc phòng, an ninh là cơ mật của quốc gia, còn nói đến Quốc hội là hoạt động công khai, sẽ rất khó để đưa ra chất vấn. Ngoại giao thường là những vấn đề rất cơ mật như sách lược và chiến lược đàm phán, nếu nói hết ra còn làm được gì nữa. Như vấn đề Biển Đông cũng liên quan tới quốc phòng và an ninh. Những vấn đề như vậy, thường các nước người ta có thiết chế khác để giải trình, chứ không giải trình ở phiên toàn thể được. Có thể người ta chỉ họp kín trong quy mô một ủy ban nào đó có trách nhiệm giám sát lĩnh vực này thôi.

 

Theo ông, hoạt động chất vấn của Quốc hội thời gian tới cần có những đổi mới gì để tăng cường chất lượng chất vấn?

- Do Quốc hội của ta không hoạt động chuyên trách nên cũng có cái khó. Tôi biết, nghị viện nhiều nước mỗi tuần có một phiên chất vấn Chính phủ. Như vậy, nếu có vấn đề phát sinh thì Chính phủ sẽ dễ giải trình hơn. Mỗi buổi giải trình, điều trình như vậy cũng chỉ kéo dài khoảng 45 – 50 phút thôi chứ không nặng và dài như ở ta đang làm. Hình thức chất vấn mà chúng ta đang thực hiện cũng gây nên sức ép khá nặng nề cho các bộ trưởng vì họ phải đứng trước một diễn đàn lớn trong thời gian dài như vậy. Không có nước nào bộ trưởng phải chịu sức ép chất vấn lớn như vậy cả. Vừa rồi ta cũng có những đổi mới như giữa hai kỳ họp, Ủy ban Thường vụ cũng có những phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Còn tôi mong muốn điều gì ư? Rõ ràng chúng ta đang hội nhập, vì thế hoạt động chất vấn và giám sát nên theo chuẩn chung của thế giới, cả về khung khái niệm và hình thức tổ chức. Chất vấn hiện nay của ta vẫn mang ý nghĩa chính là minh bạch hóa thông tin, là cơ hội để các thành viên Chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình trước Quốc hội.

Xin cảm ơn ông