Dân Việt

Tình phụ tử - nhìn từ một vụ kiện đòi con

04/06/2015 14:01 GMT+7
Khẳng định đứa bé là cốt nhục của mình, ông A đã làm đơn khởi kiện ra tòa để đòi con. Sau kết luận giám định, sau phán quyết của tòa là tâm sự của hai người đàn ông, họ đã cho thấy tình phụ tử dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng rất đỗi thiêng liêng.
Ước nguyện của người cha

Bà N (SN 1969, trú P.Hòa Khê) là phụ nữ đã có gia đình và có ba cô con gái, còn ông A (SN 1963, trú P.Thanh Khê Đông, cùng Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) chưa có gia đình, họ là đồng nghiệp làm cùng cơ quan.

Quá trình làm việc chung, khoảng năm 2007 giữa bà N và ông A có quan hệ tình cảm với nhau. Được một thời gian bà N có bầu, ngay từ thời điểm đó, mặc dù bà N đánh tiếng cho rằng cái thai không liên quan gì tới ông A, nhưng ông A vẫn quả quyết đây là con mình.

Thời gian sau bà N nghỉ việc ở cơ quan, rồi đứa bé ra đời, ông A vẫn tới lui gia đình bà N chơi với đứa bé, hỏi thăm bà N như một người bạn. Quả nhiên, đứa bé càng lớn càng giống ông A, không những vậy, những xáo trộn có phần bất thường như gia đình bà N nhiều lần không cho phép ông tới chơi, ngăn cản ông đến trường học của đứa bé, không cho ông đưa nó đi chơi như mọi khi nên ông càng khẳng định suy nghĩ của mình về đứa con là đúng.

“Cũng như những người cha, người mẹ khác trên đời, con cái là mong mỏi lớn nhất nên từ khi biết mình có con, tôi luôn dành cho con tôi tình cảm yêu thương nhiều nhất. Tôi luôn cố gắng làm việc để lo cho tương lai của con sau này. Và để con tôi có danh phận trong gia đình, anh em tôi có cơ sở nhận cháu khi chẳng may tôi có hề hấn gì, nên tôi muốn làm xét nghiệm ADN…”, ông A chia sẻ.

Rồi ông A cũng đã có những lần nói chuyện thẳng thắn với bà N về đứa con. Tuy nhiên, bà N cho rằng chưa đến lúc, khi nào con lớn sẽ nói ra sự thật để con tìm về cha ruột.

Không thể kiên nhẫn, ông A đã khởi kiện bà N ra TAND Q.Thanh Khê để nhận con. Ông A yêu cầu toà giám định ADN để xác định đứa bé có phải là con của ông và bà N hay không? Và kết quả, ông chính là cha đẻ của đứa bé.

Hôm phiên tòa diễn ra, người dự khán chứng kiến một người đàn ông đứng tuổi, khẩn thiết trong từng câu trình bày. Ông A liên tục hỏi HĐXX: “Nếu khi toà xác định đó là con ruột của tôi thì tôi có thể nuôi cháu không? Tôi có được làm lại giấy tờ khai sinh cho cháu để xác nhận tôi là cha đẻ của cháu không? Nhỡ vợ chồng bà N đưa cháu đi nước ngoài thì tôi phải làm sao?”...

Và, niềm vui của ông A như vỡ òa khi ông nghe tòa cho biết, ông được làm lại giấy tờ và có quyền nuôi con, tuy nhiên để được nuôi con thì tòa sẽ phân định ai nuôi con sẽ tốt hơn cho bé, còn việc đưa đứa bé đi đâu thì bà N có nghĩa vụ phải thông báo với ông.

Với ông A, ước nguyện muốn làm lại giấy tờ cho con, để nhỡ một mai ông có chết con ông còn biết tới dòng tộc, họ hàng, biết ông bà nội, các bác của mình để tìm về đã được thỏa mãn. Ông thấy đó là việc mình cần làm với vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người cha đối với đứa con thân yêu của mình.

img
Kết quả giám định ADN, cháu bé là con ruột của ông A.
Tình phụ tử thiêng liêng

Nếu như mọi người cảm kích trước tấm lòng của một người cha tìm cách để nhận đứa con của mình thì lại không khỏi ngạc nhiên và xúc động trước tấm lòng của ông V - chồng của bà N (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án). Người ta thấy ở ông tình cảm của một người cha, người chồng giàu lòng vị tha, độ lượng.

Ông V nói: “Ai sai, ai đúng giờ có nói ra cũng không giải quyết được gì. Giờ tất cả đều đã có tuổi rồi, tôi mong rằng, cả ba hãy nghĩ tới con để giải quyết mọi việc cho đúng. Đừng làm tổn thương con. Con trẻ cần phải phát triển trong môi trường tốt nhất và cần có thời gian để hiểu mọi chuyện”. Rồi ông tiếp lời: “Dù không cùng huyết thống, nhưng tôi sẽ thương con như con ruột của tôi. Tôi hứa tôi sẽ làm được điều đó”.

Ông V thấu hiểu nỗi lòng, hiểu sự quyết liệt muốn thay đổi tờ giấy khai sinh cho đứa bé của ông A. Ông V nói: “việc này là quyền lợi của người làm cha, nhưng tôi mong rằng ông hãy nghĩ cho con. Con còn rất nhỏ không thể hiểu mọi chuyện rành rọt như chúng ta”.

Sau khi xem xét, HĐXX giải thích cho ông A hiểu quyền và nghĩa vụ của ông sau khi tòa tuyên ông là cha đẻ của cháu bé.

Theo đó, ông A có quyền được làm lại giấy tờ khai sinh để ghi ông là cha đẻ, ông có quyền thăm cháu bé, có quyền cấp dưỡng nuôi cháu. Gia đình bà N không được phép ngăn cấm ông. Tuy nhiên, tòa cũng mong ông cân nhắc, nghĩ tới cháu bé và cư xử sao cho hợp lý. Nếu ông là cha đẻ của đứa bé thì đó là quan hệ huyết thống, còn việc chồng bà N nhận nuôi cháu thì đó là cha nuôi theo quan hệ pháp luật không thể phủ nhận.

Điều mọi người cần phải nghĩ và làm lúc này đó là để cháu phát triển trong môi trường tốt nhất, vì mọi quyết định hôm nay sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn tác động rất lớn đến con trẻ.

Trong suốt phiên tòa, đôi mắt bà N đẫm lệ, bà ân hận vì những lầm lỗi của mình để chồng con phải khổ, bà cũng chỉ mong cháu bé tiếp tục ở với vợ chồng mình để không làm xáo trộn cuộc sống.

Sau khi nghị án, HĐXX xác định, nguyên đơn chỉ khởi kiện đòi xác định huyết thống. Vì lẽ đó, theo giám định ADN, ông A là cha đẻ của đứa bé nên toà tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của ông A, tuyên cháu bé là con ruột của ông.

Phiên tòa khép lại, nhưng dư âm của nó còn đọng lại trong suy nghĩ của những ai chứng kiến. Tình cảm phụ tử trong đó cho dù là huyết thống hay đơn thuần là dưỡng nuôi đều cao quý và thiêng liêng…