Cả nhà mê kiếm thuật
Chứng kiến một nhóm nhiều bạn nhỏ nô đùa với nhau trên khán đài, chúng tôi lại gần xin chụp ảnh và ngay lập tức nhận được nụ cười thân thiện của chị Magdalene: “Đây là con trai tôi, đây là con gái tôi và các bạn trong cùng câu lạc bộ đấu kiếm của Trường St.Gabriel’s Primary. Con trai tôi tên là Alexandre năm nay 11 tuổi và đã có 4 -5 năm theo học đấu kiếm nội dung kiếm 3 cạnh. Cháu từng giành HCV U10 đấu kiếm Singapore 2014 và HCĐ U12 Singapore 2015”.
Ở tuổi của Alexandre mà đã có “thâm niên” 4 -5 năm “tầm sư học… kiếm” như vậy quả thật không phải chuyện thường. Tôi hỏi: “Vậy trong tương lai, chị có định cho con mình trở thành một vận động viên đấu kiếm chuyên nghiệp hay không?”.
Chị Magdalene trả lời: “Tại sao không nếu như cháu có thể!”. – “Ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh không sẵn sàng cho con em mình theo nghiệp thể thao, đặc biệt là đấu kiếm bởi nó rất nhọc nhằn, không có nhiều tương lai. Vậy ở Singapore thì sao?”.
Nhìn tôi với ánh mắt đầy ngạc nhiên, chị Magdalene đáp: “Ở Singapore có rất nhiều trẻ em như con tôi được học đấu kiếm tại trường với các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Đấu kiếm với các cháu đơn thuần là một sở thích chứ không phải là nghề nghiệp. Đó là một môn thể thao tuyệt vời, rèn luyện cả thể chất và đầu óc, giúp các cháu nhanh nhẹn, thông minh hơn để học tập thật tốt. Với những cháu có tài năng để trở thành tuyển thủ quốc gia thì vẫn không ngừng học tập và có một nghề nghiệp ổn định. Ngoài tập đấu kiếm ở câu lạc bộ, các vận động viên vẫn có công việc của riêng mình”.
Chị Magdalene còn cho biết thêm, sở dĩ gia đình chị mê kiếm thuật đến thế do bị ảnh hưởng bởi chồng chị là người Pháp – đất nước vốn rất coi trọng và phát triển đấu kiếm với tư cách là một môn thể thao quý tộc. “Chồng tôi không đến nhà thi đấu xem đấu kiếm cùng mẹ con tôi bởi anh ấy còn bận công việc ở công ty” - chị Magdalene giải thích khi chúng tôi muốn chụp một bức ảnh của cả gia đình làm kỷ niệm.
Nhọc nhằn mua vé
Khi tôi hỏi thêm về việc mua vé vào xem môn đấu kiếm SEA Games có khó khăn không, chị Magdalene trả lời: “Đối với tôi có thể là không khó khăn lắm bởi từ tháng 3 năm nay, tôi đã đặt mua vé. Chứ bây giờ thì rất khó đấy! Vé cho người lớn là 8 đô la Singapore (khoảng 130.000 đồng) và cho trẻ em là 5 đô la Singapore, như vậy là hợp lý”.
Chưa hết, sau một hồi cùng ngồi xem trận đấu của “ngôi sao” kiếm 3 cạnh nước chủ nhà Lim Wei Wen (HCĐ ASIAD 2014), chị Magdalene còn chủ động cho tôi thêm thông tin. Chị chỉ sang người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi: “Đây là thầy Jeffery Lopez-Chủ nhiệm câu lạc bộ đấu kiếm mà con trai tôi đang theo học. Hai tuyển thủ đấu kiếm Singapore là Lim Wei Wen và Lee Samson là những học trò ưu tú của thầy Lopez. Khi còn là vận động viên, ông từng chơi được cả 3 nội dung kiếm chém, kiếm liễu và kiếm 3 cạnh – điều hiếm hoi đối với các kiếm thủ. SEA Games năm 1987, thầy Lopez đã giành được 1 HCB, 1 HCĐ cho đấu kiếm Singapore”.
Có một điều khiến tôi vô cùng băn khoăn là tại sao với “cái nền” tốt như vậy, đấu kiếm Singapore cũng vẫn chỉ loanh quanh tầm khu vực chứ chưa thể khẳng định được đẳng cấp trên đấu trường thế giới? Giá như đấu kiếm Việt Nam mình (vốn đang đứng hàng đầu khu vực) có “cái nền” tốt như vậy thì tấm HCV ASIAD, thậm chí là Huy chương Olympic đâu phải xa tầm với.
Mang điều này hỏi ông Phùng Lê Quang – Trưởng bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT có mặt trong nhà thi đấu OCBC Arena Hall 2 thì nhận được sự lý giải: “Ở Việt Nam chưa có điều kiện phát triển do kinh tế, cơ sở vật chất còn thua kém Singapore. Nếu chúng ta có một nhà thi đấu tuyệt vời như thế này thì các cổ động viên sẽ tới xem đông, đấu kiếm đương nhiên sẽ được quảng bá. Và hệ quả kèm theo là sẽ có nhiều vận động viên theo đuổi con đường này hơn. Còn ở Singapore, có nhiều yếu tố tác động. Thứ nhất, họ chỉ coi đây là sở thích chứ không phải nghề nghiệp. Thứ hai, thanh niên Singapore đến tuổi trưởng thành đều phải làm nghĩa vụ quân sự, tức là vận động viên tài năng đến mấy cũng sẽ bị chững lại một thời gian. Thứ ba còn do tố chất con người…”.