Dân Việt

Hai năm tam nông khởi sắc

15/11/2010 09:27 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 2 năm, nhiều chủ trương, chính sách như đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... đã được hiện thực hoá, giúp tam nông có nhiều chuyển biến lớn so với trước.
 img
2 năm qua, nhiều chính sách mới đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ảnh chụp tại Mường Bon (Mai?Sơn, Sơn La). Ảnh: Xuân Trường

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn không ít tồn tại, bất cập cần làm rõ. Trong khuôn khổ loạt bài Nhìn lại 2 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, Báo NTNN sẽ đề cập đến 2 mặt của những vấn đề này.

Bài 1: Nông dân, nông thôn vẫn phải hy sinh 

Thay đổi nhận thức

Điểm quan trọng nhất của Nghị quyết 26 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là đã làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề này. Bây giờ nói đến tam nông, từ các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, người kinh doanh đều đã thấy tầm quan trọng, cũng như những khó khăn, đóng góp của tam nông, đặc biệt đây là vấn đề hàng đầu cần giải quyết trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hội nghị T.Ư 7-2008, lần đầu tiên Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) chính thức được thông qua. Thắng lợi lớn nhất của Nghị quyết 26 là thay đổi nhận thức về tam nông từ giới lãnh đạo, đến người dân. Hiện nay, tỉnh nào, địa phương nào cũng đặt vấn đề tam nông làm trọng tâm cho sự phát triển.

Câu chuyện đó nói thì nghe đơn giản, nhưng thực chất lại không đơn giản chút nào. Bởi nhiều người vẫn quan niệm cần tăng trưởng kinh tế, nhưng có thể hy sinh về môi trường, đói nghèo… Tuy không ai nói ra, nhưng vẫn hàm ý sự hy sinh đó là thuộc về người nông dân, nông thôn.

Trước đây, khi nói đến thành công, các địa phương thường nói đến cơ cấu kinh tế, như giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp dịch vụ, thu hút đầu tư FDI, chứ không ai nói đến thu nhập của người nông dân, cũng như công ăn việc làm của họ. Phải nói thẳng, cho đến gần đây vẫn còn nhiều suy nghĩ như thế.

Thắng lợi lớn nhất của Nghị quyết 26 là thay đổi nhận thức về tam nông từ giới lãnh đạo, đến người dân. Hiện nay, tỉnh nào, địa phương nào cũng đặt vấn đề tam nông làm trọng tâm cho sự phát triển của mình, đây là một làn sóng mới rất đáng được biểu dương giữa lúc VN bước vào giai đoạn tăng tốc công nghiệp hóa, đô thị hoá, cũng như nhiều vấn đề khác.

Song giữa bộn bề những điều đó, vấn đề tam nông vẫn được chú ý, coi trọng. Tuỳ năng lực từng địa phương, đã có sự đầu tư khác nhau như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đầu tư mạnh hơn nhờ kinh tế mạnh, có công nghiệp hoá mạnh.

Tiếp tục thay đổi tư duy

Nói về những mặt tích cực, song chúng ta cũng cần phải nhìn lại những hạn chế trong quá trình triển khai nghị quyết tam nông. Đó là về mặt tư duy, thì có điều cần phải chấn chỉnh. Trong tư duy, kể cả người dân cũng như lãnh đạo vẫn có ý nghĩ trông chờ nhà nước, vẫn nghĩ đó là chương trình của nhà nước, nhà nước sẽ đưa tiền, cho chính sách, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn con đường làm ăn, xây dựng, cung cách sống tốt hơn.

Nhân vật chính trong cuộc cách mạng này là người nông dân, họ là người trực tiếp đóng góp sức lực, đưa ra sáng kiến, tham gia quản lý và sau này sẽ là người hưởng thụ. Cho nên, chúng ta phải tiếp tục thay đổi tư duy. Một tư duy nữa cần thay đổi là định hướng đầu tư, rất nhiều người cho rằng, xây dựng nông thôn mới chỉ là làm cơ sở hạ tầng hiện đại.

Tư duy này có hai điểm không ổn: VN vẫn là một nước thu nhập thấp, chúng ta còn nhiều lĩnh vực ưu tiên đầu tư, sức lực của nhà nước còn có giới hạn, không thể đổ cả vào nông nghiệp, nông thôn. Ngân sách của nhà nước chỉ là vốn “mồi”, còn nguồn tiền chính là ở từ người nông dân, doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài hay vay ngân hàng…

Điểm thứ ba cần thay đổi trong tư duy là tổ chức thể chế để thực hiện chương trình. Từ trước đến nay, chương trình, mục tiêu quốc gia của chúng ta, điều quan trọng nhất là dân phải làm chủ. Vì thế, cần có sự cải cách trong tổ chức thể chế, theo tôi cấp quản lý tốt nhất là thôn, bản để thực hiện, sức mạnh chính ở đây là tổ chức cộng đồng nhân dân với các tổ chức tự quản có cả sức mạnh về năng lực và tinh thần.

Theo tôi, đây mới là giai đoạn đầu trong việc thực hiện tam nông, nên các địa phương, bộ ngành phải có tư duy phát triển mới, gắn bó với nhau, luôn luôn lấy dân làm gốc sẽ thực hiện được ước mong, phát huy được sức mạnh của toàn bộ những người dân chân lấm, tay bùn, đặng mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.

Hướng tới mục tiêu nông dân tăng 2,5 lần thu nhập

>> Thực hiện Nghị quyết tam nông, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, với mục tiêu cơ bản là tổng thể Chương trình tam nông của Chính phủ hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng hơn 2,5 lần so với hiện nay; đồng thời, xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình hành động của Chính phủ có đến 48 quy hoạch, chương trình, đề án cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành triển khai đến năm 2020, nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại...