Dân Việt

Tôm tép chết ở ĐBSCL: Có thể công bố dịch!

06/06/2011 10:08 GMT+7
(Dân Việt) - Trước tình hình dịch bệnh trên tôm vẫn diễn biến phức tạp, ngày 5.6, tại Sóc Trăng, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị Giao ban Phòng chống dịch bệnh thủy sản khu vực ĐBSCL.

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 2.6, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại của 7 tỉnh khu vực ĐBSCL đã là 52.470ha, chiếm hơn 98% diện tích tổng thiệt hại của cả nước!

Trong đó, Sóc Trăng là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất với trên 19.800ha tôm chết, chiếm 76% diện tích thả nuôi; Bạc Liêu có 8.586ha thiệt hại, chiếm 7,6% diện tích; Trà Vinh có 6.546ha, chiếm 30% diện tích đã thả… Tôm chết chủ yếu ở giai đoạn từ 20-30 ngày sau khi thả, tập trung ở khu vực nuôi thâm canh và bán thâm canh.

img

Nông dân Bạc Liêu bơm nước nhằm khắc phục tình trạng tôm chết.

Nguyên nhân gây thiệt hại cho tôm do nhiều yếu tố: Ảnh hưởng khí hậu thời tiết khắc nghiệt; do hạ tầng vùng nuôi không đảm bảo gây môi trường ô nhiễm, mầm bệnh lưu tồn lây lan ra diện rộng. Tác nhân chính gây bệnh trên tôm, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, do bị bệnh hoại tử, teo gan tụy. Bên cạnh đó có cả nguyên nhân do dịch bệnh đốm trắng nhưng không đáng kể.

Trước đó, Bộ NNPTNT đã thành lập nhiều đoàn và chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn như Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Trường Đại học Cần Thơ… tổ chức đi kiểm tra tình hình dịch bệnh, thu mẫu xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh chết tôm. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp 120 tấn chlorine từ Quỹ Dự trữ Quốc gia cho các tỉnh Bình Định, Sóc Trăng, Bến Tre và Cà Mau để dập dịch, phục hồi môi trường...

Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y cũng đã đề xuất một số biện pháp trước mắt nhằm phục hồi môi trường vùng nuôi đã xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh, thu mẫu xác định tác nhân đối với diện tích tôm chưa bị thiệt hại. Tiếp đó, tăng cường kiểm dịch con giống và kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất và nuôi tôm một cách chặt chẽ…

Tại hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị các ngành chuyên môn, địa phương cần kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ; kiểm soát chặt nguồn nước thải ở tất cả các vùng nuôi tôm; đặc biệt kiểm soát về vệ sinh thú y, sử dụng hóa chất, thuốc thú y thủy sản.

Kiểm soát chặt việc nhập tôm bố mẹ; đề nghị không cho nhập tôm post cỡ nhỏ - loại khó phát hiện dịch bệnh. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị: Các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần nắm kỹ lại tình hình thiệt hại, trong vòng 10 ngày phải báo với Bộ để có hướng xử lý. Bên cạnh đó, cần chủ động ngăn chặn, xử lý triệt để, hướng dẫn các hộ dân khắc phục. Về công bố dịch, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, trong tuần tới, Bộ sẽ điều chỉnh lại danh mục dịch bệnh để có thể công bố dịch ở những địa phương thiệt hại nặng.