Theo đó, trong năm 2014, toàn vùng ĐBSCL thực hiện chuyển đổi gần 78.400ha diện tích trồng lúa sang trồng cây màu các loại, giảm nhẹ so với năm 2013. An Giang là tỉnh có diện tích đất chuyển từ trồng lúa sang trồng màu cao nhất, đạt 22.600ha, tăng hơn 19.100ha so với năm 2013, tiếp đến là Đồng Tháp với 14.500ha, Long An 12.600ha…
PGS-TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, một số cây màu khi thay thế cây lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bởi giá cả cây màu thường cao hơn so với lúa, một số nơi giải quyết được việc làm cho một số lao động nông thôn nhàn rỗi… Tuy nhiên, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng màu ở vùng ĐBSCL hiện vẫn đang găp nhiều khó khăn. Trước hết, do hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất được hình thành và xây dựng phục vụ cho sản xuất lúa nước, chưa có một hệ thống thủy lợi nào chủ động tưới cho cây trồng cạn (bắp, đậu tương) vào mùa khô hay thoát nước trong mùa mưa. Do đó, cây trồng cạn có nguy cơ hạn hán, ngập úng khi mở rộng diện tích.
Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay việc trồng lúa có hiệu quả thấp nhưng vẫn tiêu thụ được. Khi chuyển sang các cây trồng khác, thị trường tiêu thụ còn chưa ổn định, khó dự báo, tạo tâm lý không an tâm cho người sản xuất. Nếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp cũng khó có thể tổ chức thu mua sản phẩm.
Không chỉ vậy, một số địa phương còn cho rằng, đến nay vẫn chưa có gói kỹ thuật để tập huấn và khuyến cáo sản xuất theo từng mùa vụ, từng tiểu vùng sinh thái và loại cây trồng chuyển đổi… Do đó, kỹ thuật canh tác của nông dân còn kém dẫn đến giá thành cao, sản phẩm làm ra như bắp, đậu tương khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.