Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm chịu án oan. Ảnh: Anh Tuấn
"Báo cáo giám sát về tình hình oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chủ yếu dựa vào báo cáo của các cơ quan tố tụng là đối tượng giám sát, do đó vẫn có những hạn chế về nguồn thông tin. Trong khi đó hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai nên câu hỏi đặt ra là: phải chăng những vụ việc phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng; chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha thì rất e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại”, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói.
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nói rằng, do thời gian giám sát và lực lượng có hạn, nên số liệu trong báo cáo có thể chưa phải là tất cả. Vẫn còn đâu đó những vụ chưa được nêu ra do không có điều kiện để xem xét lại hồ sơ của hơn 200 nghìn vụ án. “Trong quản lý trại tạm giam, tạm giữ còn để xảy ra 78 vụ tự sát. 6 trường hợp chết do bị can đánh nhau. Có ai dám bảo đảm rằng trong trường hợp tự sát nêu trên không có vụ nào oan sai”, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói.
Bức cung, nhục hình ít nhưng nghiêm trọng
ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cho rằng, bức cung, dùng nhục hình là một trong nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc oan sai. Theo bà Liên, các vụ bức cung, dùng nhục hình tuy xảy ra rất ít nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân. Đồng thời ảnh hưởng hình ảnh của các cơ quan tư pháp, niềm tin vào nền tư pháp nước nhà. Điển hình là vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng với tội danh giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 ở tỉnh Sóc Trăng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nói việc lạm dụng hay thích sử dụng nhục hình, cho rằng dùng nhục hình ở mức độ nào đó là cần thiết là một nguyên nhân dẫn đến oan sai. Oan sai còn do tình trạng “trọng cung hơn trọng chứng”, “lấy cung thay chứng”, bị cáo đã nhận tội rồi thì có thể kết thúc vụ án, không cần đầu tư thu thập chứng cứ nữa.
Theo ông Nghĩa, vụ Hồ Duy Hải (Long An) là điển hình cho những sai sót trên, khi tội phạm diễn ra trong đêm, sáng ra điều tra viên đến lập biên bản, hiện trường còn nguyên, các vật chứng còn nguyên. Nhưng khi đưa ra xét xử thì các vật chứng quan trọng nhất như hung khí lại bị mất, bị thay thế; giám định dấu tay thì không có dấu tay bị cáo; có biểu hiện ngoại phạm. Khi xét xử thì chủ yếu dựa vào bản cung và lời khai của nhân chứng dẫn đến bản án gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Oan sai, nhưng 21 năm chưa được bồi thường
Theo ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, việc bồi thường oan sai diễn ra quá chậm. “Tâm lý người dân bị oan vốn đã rất nặng nề, nhưng dường như tâm lý của cơ quan tố tụng còn nặng nề hơn. Việc phải thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng, vì phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian”, ông Nghĩa nói. Ông cho rằng, chính tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan sai không kịp thời.
Nhắc lại vụ việc ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) bị oan sai nhưng 9 năm chưa được bồi thường, hay vụ ông Phan Văn Lá (Long An) 21 năm chưa được giải quyết bồi thường, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, bất luận từ nguyên nhân gì, khi đã xác định rõ được người bị oan thì các cơ quan có trách nhiệm, cụ thể là các cơ quan tố tụng có trách nhiệm phải bồi thường. Phải nhanh chóng vào cuộc để giải quyết một cách sớm nhất cho người bị oan.
“Dù có khó khăn gì chăng nữa cũng phải có phương án giải quyết nhanh nhất trả lại quyền lợi cho người bị oan. Phải coi đây là trách nhiệm và chủ động của các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải là một việc kiện dân sự thông thường, giải quyết bình thường, theo thủ tục bình thường”, ông Xuyền nói.
Đề cập vấn đề bồi hoàn, theo ông Huỳnh Nghĩa, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Theo Báo cáo giám sát, trong 3 năm, các cơ quan tố tụng hình sự phải bồi thường trên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại không có trường hợp nào phải bồi hoàn.
“Luật đã quy định nhưng tại sao các ngành, các cấp không thực hiện? Đây là vấn đề rất lớn, cần phải được xem xét nghiêm túc để trả lời cho cử tri”, ông Nghĩa đề nghị.
Trả lời trước những thắc mắc trên, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, ngành tòa án đang nỗ lực phối hợp các cơ quan chức năng để bồi thường cho những người bị oan sai. Đối với vụ ông Lương Ngọc Phi, tòa đang giải quyết theo trình tự tố tụng. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã xin lỗi công khai và thương lượng việc bồi thường. Ông Chấn cũng đã đồng ý mức bồi thường 7,2 tỷ đồng và đang làm thủ tục chi trả.
Tương tự, vụ ông Phan Văn Lá, các cơ quan tiến hành tố tụng đã cùng nhau thống nhất sẽ bồi thường 470 triệu cho ông Lá. Ông Bình đề nghị, cần xem xét tập trung việc giải quyết bồi thường oan sai về một đầu mối, tránh tình trạng như hiện nay. Theo ông Bình, có thể giao đầu mối về cho tòa án hoặc Bộ Tư pháp thay mặt Nhà nước thực hiện việc bồi thường.