Xung quanh bài toán nhiều tranh cãi này, nhiều người cũng đã bày tỏ sự cảm thông đối với cô giáo vì muốn học sinh tư duy mà bị nhắc nhở.
Cô giáo Quyên giãi bày sự việc (ảnh Chính Thành).
“Chỉ là bài tập làm thêm không bắt buộc”
Về hình thức nhắc nhở cô giáo Quyên sau vụ việc vừa qua khiến dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Kim Long - trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Nếu chiếu theo quy định trên thì việc cô Nguyễn Thị Kim Quyên đưa bài toán khó vượt trình độ học sinh, không nằm trong sách Bộ quy định là sai.
Tuy nhiên, cô Quyên chỉ đưa bài toán dạy trong tiết ôn tập, không yêu cầu tất cả các học sinh phải làm nên xử lý ở hình thức nhắc nhở là hợp lý. Đây là hình thức xử lý ở mức độ nhẹ nhất, chỉ nhắc nhở các cô giáo tìm kiếm tài liệu nâng cao cho học sinh một cách thận trọng hơn, hoàn toàn không khiển trách hay kiểm điểm giáo viên như dư luận hiểu lầm!”.
Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên (giáo viên lớp 3A3, khối trưởng khối lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã xác nhận chính mình là người đưa bài toán này cho học sinh ôn tập.
Những ngày qua, những luồng dư luận trái chiều đã khiến cô giáo Quyên chịu nhiều áp lực. Đặc biệt, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã yêu cầu hiệu trưởng và cô giáo Trường tiểu học Thăng Long, P.B’Lao, TP Bảo Lộc tường trình.
Qua tường trình của giáo viên, ông Thanh đã đề xuất xử lý ở mức độ nhắc nhở các cá nhân liên quan về việc đưa bài toán lớp 3 không nằm trong chương trình giảng dạy Bộ GD-ĐT theo quy định lên Sở GD-ĐT Lâm Đồng xem xét.
Được biết, cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên năm nay 43 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ĐH Đà Lạt, cô về dạy tại một trường vùng ven của TP Bảo Lộc, sau đó mới chuyển về Trường tiểu học Thăng Long công tác đến nay. Nói về sự việc vừa qua, cô Quyên tâm sự: “Nếu chỉ dạy theo chương trình sách giáo khoa thì giáo viên rất khỏe. Nhưng vì cái tâm của một giáo viên, tôi thấy nếu mình không ôn tập nâng cao thêm thì rất uổng phí cho những em học sinh giỏi của lớp.
Bản thân tôi chẳng bao giờ ép học sinh phải làm toán khó, phải học giỏi, phải tham gia dự thi các cuộc thi, chủ yếu là khuyến khích các em có tư duy độc lập. Có chăng tôi chỉ “ép” những học sinh trung bình bằng phương pháp riêng để các em cố gắng học đạt với mức chuẩn. Trong trường, các giáo viên chúng tôi cũng rất hay trao đổi và chia sẻ cho nhau những bài tập hay. Nhiều khi gặp những bài khó, chúng tôi cũng phải thảo luận rất lâu để đưa ra cách giải sao cho phù hợp nhằm trả lời phụ huynh và hướng dẫn học sinh”.
Cô Quyên cho biết, đề bài cô ra cho nhóm học sinh lớp 3A3 làm thêm để nâng cao kỹ năng sau khi đã hoàn thành phần ôn luyện theo chuẩn chương trình. Bài toán được lấy ra từ cuốn “Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3” của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm do một học sinh mang đến lớp và được cô photo lại làm tài liệu ôn tập. Nhận thấy đề bài có độ khó cao, cô Quyên không bắt buộc tất cả các học trò phải làm bài này và dặn các học trò ai muốn thử thì làm.
Bản thân cô cũng hi vọng phụ huynh có thắc mắc hãy trực tiếp trao đổi với giáo viên để đưa ra định hướng trong phương pháp giáo dục học sinh. “Tôi cho một nhóm học sinh làm trong giờ ôn tập buổi chiều thứ ba tuần trước. Chỉ có khoảng 20 học sinh trong tổng số 35 học sinh của lớp được tôi cho thêm phần luyện tập này. Những em này đã làm xong phần ôn luyện theo chương trình, tôi cho các em làm thêm để nâng cao kỹ năng và kiến thức. Tôi làm như vậy vì học sinh của mình, để kích thích tư duy của các em làm quen với nhiều dạng bài tập chứ không có động cơ nào khác”.
Sau khi Phòng GD-ĐT TP. Bảo Lộc đưa ra hướng xử lý, cô giáo Quyên đã tỏ ý lấy làm tiếc về sự việc. Tuy nhiên cô Quyên cho biết, mình làm tất cả cũng chỉ vì muốn học sinh của mình thoát khỏi tư duy lối mòn. Cô Hoàng Thị Hồng (Hiệu trưởng Trường tiểu học Thăng Long) cho biết: “Bài toán này về kiến thức cơ bản thì đúng với trình độ của các em học sinh lớp 3 vì có đưa vào bốn phép tính nhân, chia, cộng, trừ.
Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp để rèn luyện thêm cho những học sinh giỏi, còn đối với trình độ đại trà thì không nên. Việc sưu tầm bài toán hay cho học sinh mình là rất đáng quý. Nhưng dù sao đi nữa việc ôn tập như vậy là không đúng vì không theo chuẩn kỹ năng kiến thức và không thông qua nhà trường”.
Trưởng Tiểu học Thăng Long nơi cô Quyên đang công tác.
Độ vênh giữa ý tưởng và quy định
Sau khi sự việc được làm rõ, nhiều nhà giáo và phụ huynh đã ủng hộ cách làm của cô Kim Quyên. Nhiều bậc phụ huỳnh cho rằng tâm lý chung của các ông bố, bà mẹ là thích con va chạm với các bài tập khó, đặc biệt là với các môn tự nhiên. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo thì tuyệt đối giáo viên không được giao bài tập khó cho các con và không được giao bài tập về nhà.
Nếu cô giao các bài tập khó thì chủ yếu lại phải do cha mẹ hoặc gia sư kèm cặp chứ nhiều bài tự các em cũng không giải được. Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
Thế nhưng, nếu tuân thủ tuyệt đối quy định thì nhàn giáo viên. Tuy nhiên, các em nếu không hiểu bài sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý chán học, rỗng kiến thức từ cấp cơ sở.
Qua thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên đứng lớp hàng chục năm đều trăn trở một điều rằng nếu dạy đúng theo yêu cầu, chỉ đạo của ngành thì giáo viên rất nhàn, nhiều lúc, các giáo viên có tâm đã phải áp dụng cả phương pháp dạy học cũ – mới đan xen bằng cách buổi sáng cho học sinh học tích cực, cô hỗ trợ để học sinh hiểu thêm, nhưng nếu chưa đạt thì buổi chiều lại áp dụng kiểu cũ. Nghĩa là cô lại giảng bài theo cách truyền thống trên lớp để các em hiểu.
Là người làm sư phạm có trình độ, có tâm thì chắc chắn người giáo viên sẽ nhìn ra em nào nên bồi dưỡng thêm kiến thức nâng cao bằng cách nhìn vào lòng say mê, năng lực của các em để giao bài tập cho phù hợp.
Việc đưa ra một bài toán hóc búa của cô giáo Kim Quyên xuất phát từ lòng yêu nghề, khuyến khích con trẻ tìm tòi, học tập. Cô giáo đã rất quan tâm và có trách nhiệm với học sinh, khuyến khích những em có khả năng phát huy cao hơn nữa chứ không ép tất cả các em phải làm bài toán khó này.
Đây là sự quan tâm có trách nhiệm chứ không hề cầu toàn như những người muốn tránh trách nhiệm, không nên vì điều này mà kỷ luật cô giáo. Nhưng có lẽ, các quy định của ngành giáo dục hiện nay vẫn chưa đề cập tới những trường hợp như của cô giáo Quyên. Không phải bây giờ mới có chuyện, một cô giáo Kim Quyên ở Lâm Đồng tìm bài tập khó khuyến khích học sinh mà chuyện này có ở hầu khắp các địa phương, các trường lớp.
Và nhu cầu để có những bài toán hóc búa như vậy ở một số học sinh và phụ huynh là có thật. Mục đích của cô Kim Quyên là tốt nhưng lại vi phạm quy định. Một điều cũng đáng bàn là việc nguồn gốc bài toán ấy không phải cô giáo dạy lớp 3 bịa ra mà cô chép từ cuốn sách “Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3” do Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm phát hành. Điều đó chứng tỏ, một nhà xuất bản uy tín của ngành giáo dục cũng đã hoàn toàn coi bài toán “khó nhằn” với cả các vị tiến sĩ này là một món ăn “vừa sức” với học sinh lớp 3.
Nhiều người đã nhận xét cô giáo Quyên đã chịu khó học hỏi, tìm tòi phục vụ sự nghiệp trồng người. Cuốn sách Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm không phải phổ biến. Nhưng cô giáo đã tìm hiểu và chắt lọc, đưa vào cho học sinh thực hành, làm quen dần.
Cô Quyên cũng đã giảng dạy theo năng lực học sinh khi đưa ra những bài tập vừa tầm dành cho học sinh trung bình, lại có những bài toán khó dành cho học sinh giỏi, tạo cơ hội cho học sinh khẳng định sự thông minh của mình, tạo điều kiện cho các em tự tin và học tốt hơn. Giáo dục của thời kỳ hiện đại cần những giáo viên biết dạy học sinh cách vận dụng kiến thức, biết thực hành trong cuộc sống, chứ không phải chỉ dạy trong khuôn khổ của chương trình quy định sẵn.