Dân Việt

Ba Lòng thay “áo mới”

02/09/2011 06:28 GMT+7
(Dân Việt) - Được bao bọc bởi tứ bề là núi đồi trùng điệp, có nhiều suối khe, và là nơi khởi nguồn của sông Thạch Hãn, chiến khu Ba Lòng (gồm ba xã Ba Lòng, Hải Phúc, Triệu Nguyên) được chọn làm căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt.

Ông Nguyễn Hữu Cửu (94 tuổi) - Xã đội trưởng Ba Lòng thời ấy, nhớ lại: "Gần 10 năm ròng rã (1947-1954), thực dân Pháp đã nhiều lần tập trung lực lượng tấn công Ba Lòng, nhưng chúng không thể đánh đổ được.

Tại đây, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đều từng có thời gian hoạt động…". Sau năm 1954, Chiến khu Ba Lòng vẫn là mảnh đất kháng chiến, là căn cứ địa của cuộc đấu tranh cách mạng ở Quảng Trị cho đến ngày 30.4.1975.

img
Người Vân Kiều ở Ba Lòng hôm nay đã biết xay gạo bằng cối xay điện.

Sau giải phóng, khoảng 10.000 người dân Ba Lòng sống gần như biệt lập với bên ngoài, tự cung tự cấp. Thế nhưng, bất cứ ai tới đây thời điểm này đều ngạc nhiên về sự thay đổi. Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch UBND xã Ba Lòng cho biết, xã có 609 hộ dân thì đến 1/3 là hộ sản xuất khá, giỏi. Đàn gia súc của xã đến hàng ngàn con, diện tích rừng khai thác kinh tế lên đến hàng ngàn ha, nhà ít nhất 1ha, nhiều lên đến 15ha. Bà con thành lập hẳn một đội bảo vệ rừng. Con trẻ được đến trường 100%…

Cuộc sống người dân chiến khu này thực sự đổi thay từ năm 2000, khi dòng điện thắp sáng được dẫn về tận nhà dân. Sau đó là cây cầu nối đôi bờ thôn Đá Nậm (Triệu Nguyên) và thôn Mai Sơn (Ba Lòng) thông nhịp vào năm 2009. Rồi tiếp đó là con đường nhựa phẳng phiu. Về Chiến khu Ba Lòng hôm nay, đến nhà nào, chúng tôi cũng thấy ăng-ten, chảo bắt sóng TV giữa sân nhà; xe gắn máy sáng bóng trên sân, có nhiều nhà sắm được ô tô... Cuộc sống đã dần khởi sắc.