Trước đây có vụ ông Lương Ngọc Phi (ngụ tỉnh Thái Bình) được tòa tuyên buộc cơ quan tố tụng bồi thường 21 tỉ đồng song bản án này sau đó đã bị tuyên hủy để xem xét lại. Do vậy, ông Chấn là trường hợp được đền bù oan sai với số tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Chấn và vợ sau ngày được trả tự do
Thật khó có thể lượng hóa được 7,2 tỉ đồng ấy có thỏa đáng hay chưa, có bù đắp được 10 năm vào tù ra tội, danh dự bị chà đạp, nhà tan cửa nát của ông Chấn hay không song có một điều chắc chắn mà mọi người đều nghĩ như nhau là chẳng ai muốn bị tù oan để được đền bù vật chất! “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, cổ nhân đã đúc kết như thế rồi. Các cán bộ thực thi pháp luật, các cơ quan tố tụng cũng chẳng mong xảy ra án oan sai nhưng vì nhiều lẽ - như thiếu trách nhiệm, chủ quan, nóng vội, trình độ có hạn, tiêu cực... - mà không ngăn chặn triệt để được. Hậu quả đâu chỉ người bị oan phải gánh mà phía nhà nước cũng thiệt hại: cán bộ bị sút giảm lòng tin, cơ quan công quyền bị mất uy tín, ngân sách bị thâm thủng...
Câu hỏi lớn nhất trong vụ ông Chấn đến thời điểm này là ai sẽ phải chịu khoản tiền đền bù 7,2 tỉ đồng đó, ngân sách nhà nước hay những cán bộ thi hành tố tụng gây oan sai?
Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (có hiệu lực từ năm 2010) quy định: Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Như vậy, địa chỉ trách nhiệm đã rõ, đó là những điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã mắc sai phạm, sai sót trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Quy trình chung là cơ quan nhà nước ứng tiền ra trả, sau đó xác định trách nhiệm cá nhân rồi mới truy buộc hoàn trả cho ngân sách công.
Lý thuyết là vậy, thực tế không dễ. Trong vụ ông Chấn, một số điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã bị khởi tố, điều tra, nghĩa là phải chờ xét xử xong, chịu án rồi mới xem xét; mà phải là lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì mới hoàn, còn nếu là lỗi vô ý thì... thôi. Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho biết: “Kết quả giám sát trong lĩnh vực hình sự cho thấy qua 3 năm vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn” (Tuổi trẻ Online, 6-6). Vậy là tất cả những người thi hành công vụ gây oan sai đều thoát nghĩa vụ đền tiền!
Trong 3 năm gần nhất đã xảy ra 71 vụ án oan, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng. Vụ oan sai nào mà cũng dùng tiền ngân sách, tiền đóng thuế của dân để giải quyết hậu quả thì cán bộ thực thi công vụ đâu có sợ, tức là án oan sai sẽ chẳng thể nào chấm dứt!