Thực ra Dương Thuấn không cố tình xác lập kỷ lục như kiểu người ta kỳ công làm cái bánh to nhất. Theo anh: “Người dân tộc mình yêu mến mình, họ muốn biết đầy đủ về mình, thế nên mình làm tuyển tập, tập hợp tương đối đầy đủ sáng tác của mình trong một chặng đường dài”.
Thời gian vừa qua có khá nhiều luận văn thạc sỹ, tiến sỹ nghiên cứu về Dương Thuấn, tác phẩm hoành tráng của anh cũng nhằm cung cấp cho giới nghiên cứu cái nhìn khá toàn diện về anh mà không mất công tìm kiếm vất vả. Mặc dù không chủ ý xác lập kỷ lục nhưng khi được công nhận anh cũng thấy vui, dẫu rằng, ngoài tấm bằng chứng nhận thành tích và bữa cơm chiêu đãi ra, kỷ lục guinness không có giá trị vật chất.
Cầm bộ tuyển tập Dương Thuấn nặng trĩu tay, tôi hỏi: “Anh có thể bật mí, đã tiêu tốn bao nhiêu cho sự ra đời của “đứa con” khổng lồ này?”. Nhà thơ người Tày cười: “Ngót ba trăm triệu đồng”. Anh tỏ ra thản nhiên: “Tôi không tiếc tiền cho việc in sách” và thú nhận tuyển tập Dương Thuấn là cuốn sách anh đầu tư kinh phí lớn nhất.
Anh có duyên nên chưa “lỗ” bao giờ, cứ thu hồi được vốn, anh không bán nữa, để sách tặng bạn bè hoặc những nơi cần đến sách của anh.
Sinh ra trong một gia đình làm nông đông con ở tỉnh Bắc Cạn, bố mẹ Dương Thuấn không theo nghiệp văn chương nhưng trong số 10 người con của họ có đến hai người ghi tên trong làng văn Việt Nam đương đại: Dương Thuấn và Dương Khâu Luông. Nhưng anh được sống trong không khí văn nghệ dân gian từ bé: “Hồi nhỏ, chú bác của mình cứ khi uống rượu say lại hát lượn say sưa”, Dương Thuấn kể. Có lẽ âm hưởng dân ca trong những cuộc vui đã đưa chàng trai Tày đến với thế giới của văn chương. Anh làm thơ, viết văn cũng say mê như làm nông vậy. Anh từng là một nông dân thực thụ: “Chăn trâu, chăn bò, chăn dê, chăn ngỗng, chăn vịt… tôi làm hết. Tôi biết cấy lúa, biết khai hoang thửa ruộng, biết cày bừa, đắp đập, be bờ, xay thóc, giần, sàng…”. Không như người em Dương Khâu Luông đang “hát trên đất mẹ” (anh đang giữ chức Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Cạn- pv) Dương Thuấn đã chuyển gia đình về thủ đô hơn chục năm nay.
Con đường về xuôi của Dương Thuấn cũng hoàn toàn tự nhiên như chuyện anh giành kỷ lục. Đang là thầy giáo dạy văn cấp 3 ở miền núi, anh thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Học xong, anh về quê thì được thông báo trở lại trường viết văn Nguyễn Du làm giảng viên khoa sáng tác. Dương Thuấn kể, anh về lại thủ đô trong tâm trạng không hề thích thú: “Thời đó khó khăn lắm, không có dịch vụ thuê nhà như hiện nay, tôi phải ở nhờ suốt”. Nhiều năm sau, anh mới chuyển được vợ con về Hà Nội. Một số người đặt câu hỏi với Dương Thuấn: “Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”. Nhưng với thi sĩ dân tộc Tày, ký ức về “mảnh trăng giữa rừng” không dễ gì phai nhạt, nhất là khi tuổi đổ về chiều. Riêng về bản Hon, nơi nhà thơ cất tiếng khóc chào đời, anh đã sáng tác khoảng 1.000 thi phẩm và có lẽ đó chưa phải con số cuối cùng.
Chỉ viết những gì gần gũi với mình
Đã nghe một vài người trong giới nói Dương Thuấn “nhạt”. Quả thật ngoài đời anh không có phát ngôn gây “sốc”, không có những cuộc bút chiến nảy lửa… trong giao tiếp khá nhẹ nhàng, phong cách ăn mặc chỉn chu như một công chức mẫn cán, không có “màu” văn nghệ sỹ. Thơ Dương Thuấn không trúc trắc, không đánh đố bạn đọc, một dòng thơ giàu tình cảm, hồn hậu và trong trẻo…
Có người đánh giá: Sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Tày của Dương Thuấn có khi thành công hơn sự nghiệp thi ca. Dương Thuấn đương nhiên không công nhận điều này, bởi thi ca hay nghiên cứu, anh đều yêu như nhau. Niềm say mê của anh trong cuộc đời, chính là được đọc và viết. Nghiên cứu văn hóa Tày lâu nay không phải mảnh đất mới, Dương Thuấn được ghi nhận bởi vì anh nghiên cứu bằng tình yêu hồn nhiên với văn hóa dân tộc mình. Anh không mang tâm lí so sánh hơn thua trong văn hóa dân tộc Tày với dân tộc khác. Anh bày ra cho bạn đọc những “món” đặc sản của dân tộc mình, không nơi nào có, để cuối cùng chính bạn đọc phải thốt lên: Văn hóa Tày thật độc đáo và hấp dẫn.
Không “dựa hơi”
Nhiều người biết Dương Thuấn có mối quan hệ thân thiết với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Anh kể: “Tôi thân với anh ấy cũng gần 40 năm rồi. Từ hồi tôi còn là sinh viên năm thứ hai của Đại học Sư phạm Việt Bắc. Anh Điềm khi ấy chơi thân với nhà văn Vi Hồng, cũng là thầy giáo ở trường, anh Vi Hồng rất quí tôi, nên tôi có dịp gặp gỡ anh Điềm. Anh Vi Hồng và anh Nguyễn Khoa Điềm từng bước bộ về nhà tôi chơi. Sau này, mỗi dịp ra Hà Nội, anh Điềm lại một mình lên bản Hon chơi với tôi. Đi đâu anh cũng gửi quà, gửi thư về cho tôi”. “Người ta đồn anh dựa hơi Nguyễn Khoa Điềm?”, tôi hỏi. Dương Thuấn “chọc” lại: “Tôi là Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Cạn, quê hương của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Chúng tôi quí nhau, vì cùng là đồng hương. Sao không nói tôi dựa hơi luôn nhỉ?”.