“Hành trình giải cứu những chiếc chai” là ý tưởng kinh doanh độc đáo của cặp vợ chồng trẻ: anh Đinh Thiên Tâm và chị Nguyễn Diệu Thúy (Ngọc Hà - Ba Đình- Hà Nộ). Ý tưởng này giúp anh chị kiếm được hơn nửa tỷ mỗi năm.
Biến ve chai thành tác phẩm nghệ thuật
Cái duyên đến với “Hành trình ‘giải cứu' ve chai” của anh Tâm, chị Thúy cũng rất tự nhiên. Vì muốn có vật dụng độc đáo trang trí gia đình và những món quà kỷ niệm tặng bạn bè thật độc, lạ, anh Đinh Thiên Tâm đã lên mạng mày mò, nghiên cứu cách làm.
Tình cờ anh biết đến việc tái chế ve chai thành tác phẩm nghệ thuật. Anh vốn khéo léo lại có con mắt nghệ thuật nên việc học tập tái chế ve chai không quá khó khăn.
Những tác phẩm đầu tiên ra đời khiến vợ chồng anh vô cùng thích thú. Vừa không tốn tiền mua nguyên liệu, vừa được tự do thể hiện sự sáng tạo của mình là niềm hạnh phúc hiếm có của “dân” chuyên Mỹ thuật như anh.
Anh Tâm chia sẻ: “Để tạo nên một sản phẩm “ve chai” nghệ thuật cần rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải kiên trì. Đầu tiên phải làm sạch ve chai, cắt kiểu, mài nhẵn vết cắt rồi sau đó trang trí họa tiết. Trung bình mỗi sản phẩm hoàn thành cần đến 1 giờ đồng hồ, trong đó mất 15 phút cắt, mài bóng, 15 phút hoàn thành họa tiết và khoảng 20 phút để màu khô hẳn. Tuy nhiên, với một sản phẩm cầu kỳ, nhiều họa tiết có khi phải mất cả ngày trời mới hoàn thành”.
Thời gian đầu việc chế tác ve chai của anh chị gặp nhiều khó khăn, chất liệu sử dụng chủ yếu là màu nước nên khi vẽ lên thủy tinh rất dễ bị mất màu. Chỉ cần để mấy ngày là màu bay mất, bao công sức trang trí coi như “xôi hỏng bỏng không”.
Để khắc phục khó khăn đó, anh Tâm đã tìm ra giải pháp rất độc đáo, đó là vẽ hình lên giấy, sau đó để vào trong lòng sản phẩm. Phương pháp này vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa khiến cho các đường nét trang trí được sắc nét và lâu bền.
Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của anh nhận được sự quan tâm lớn từ bạn bè, cộng đồng. Từ đó, càng nhiều sản phẩm độc, lạ, đẹp mắt làm từ ve chai được ra đời.
Với đôi bàn tay khéo léo và ý tưởng sáng tạo độc đáo, những chiếc “ve chai” xấu xí, vô dụng như được hồi sinh, trở thành vật trang trí và những món quà kỷ niệm đẹp mắt.
Anh Tâm, chị Thúy quyết định từ bỏ công việc làm đồ họa với nhiều dự án còn dang dở để gắn bó với những chiếc ve chai. Vợ chồng anh đầu tư tiền mua máy cắt, máy mài, sơn màu, bút vẽ… và liên hệ với nhiều nguồn để xin ve chai.
Căn nhà rộng hơn 100m2 của anh chị là nơi tập kết hàng vạn những chiếc ve chai, đủ các chủng loại, kích thước, màu sắc. Ban đầu, mọi người còn tưởng anh chị chuyển nghề sang buôn đồng nát, mãi về sau khi được chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời, họ mới hiểu ý tưởng độc đáo của anh chị.
“Giải cứu” ve chai, bảo vệ môi trường
Trong căn nhà nhỏ của anh Tâm, chị Thúy, mọi thứ được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp, một bên là những mảnh ve chai cũ, đầy bụi bẩn, một bên là những chiếc cốc, lọ hoa, đèn ngủ vô cùng đẹp mắt và tiện dụng.
Để có thể tái sinh ve chai thành những đồ vật hữu ích, anh chị đã phải rất kỳ công, bỏ ra bao tâm huyết từ những ngày đầu khởi động hành trình.
Nhận thấy tiềm năng của những sản phẩm đẹp mắt làm từ ve chai, anh chị bắt đầu nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách hàng, biến chúng thành mặt hàng kinh doanh vì vừa thu được lợi nhuận lại vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Chị Thúy tâm sự: “Vì cả hai vợ chồng đều có máu nghệ thuật nên lúc nào cũng muốn được sáng tạo. Khi học được cách chế biến ve chai thành đồ thủ công thế này, chúng tôi cũng muốn thử sức kinh doanh. Tuy vậy, thời điểm đầu mới kinh doanh, chúng tôi cũng gặp phải khá nhiều khó khăn”.
Kinh phí mua máy móc là điều khiến anh chị lo lắng nhất. “Một bộ máy mới mua ở nước ngoài rẻ nhất cũng mất hàng trăm triệu đồng, hơn thế nó lại chỉ cắt kính theo đường thẳng chứ không thể cắt theo mọi hình dáng. Vì thế, tôi đã bỏ công sức ra tự nghiên cứu, chế tạo một máy cắt, mài nhẵn và mài bóng riêng. Đến nay, tôi đã có ba bộ máy tự chế có thể sử dụng cho mọi công đoạn để làm ra sản phẩm”, anh Tâm chia sẻ.
Tháng 1.2014, sản phẩm của anh chị chính thức ra mắt thị trường trong hội chợ đồ handmade tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ngay sau đó, anh Tâm quyết định mở cửa hàng trưng bày tại nhà, sản phẩm có giá dao động từ 20.000 - 300.000 đồng. Với giá không quá đắt nên nhiều người tìm đến chọn mua làm quà tặng. Tiền vốn chi ra cho nguyên liệu không nhiều lại là mặt hàng được ưa chuộng nên lợi nhuận anh chị thu được từ việc kinh doanh cũng rất khả quan.
Sản phẩm của anh chị không chỉ nhận được sự ủng hộ của người dân trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Từ khi ra mắt sản phẩm, anh chị đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của những công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Vừa được tự do sáng tạo nghệ thuật, vừa thu được lợi nhuận lớn từ sản phẩm do chính mình làm ra, đôi “vợ chồng ve chai” đã rất hài lòng với thành quả đạt được. Không chỉ vậy, việc làm của anh chị còn góp phần bảo vệ môi trường, truyền tải thông điệp ý nghĩa đến đông đảo mọi người cần phải có hành động thiết thực hơn để bảo vệ môi trường mình đang sống.