Trong hàng trăm công việc làm thêm, Trịnh Thị Hân (sinh năm 1990, sinh viên năm cuối trường ĐH FPT, quê Bắc Giang) đã chọn làm ôsin để có tiền làm từ thiện. Hân nghĩ đơn giản rằng, công việc giỏi nhất của cô là dọn nhà và nấu cơm, hơn nữa, làm ôsin, Hân không chỉ kiếm được tiền mà còn tận dụng được đồ ăn thừa để phân phát cho người vô gia cư.
Tấm lòng thiện nguyện của "cô gái ôsin"
Suốt hai năm nay, từ khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học, Hân đã trải qua rất nhiều công việc làm thêm, từ bưng bê, rửa bát thuê cho nhà hàng cho đến quét dọn, vệ sinh trong các tòa nhà lớn. Nhưng cô cho rằng, công việc phù hợp nhất với mình là làm ôsin.
Hân đến với nghề này từ hè năm 2014, bắt đầu giúp việc cho một gia đình ở Triều Khúc (Hà Nội). Vốn nhanh nhẹn, khéo léo, Hân không mất quá nhiều thời gian để dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà lớn và nấu nương, cơm nước tinh tươm cho cả gia đình. Kể từ đó, Hân biết mình có duyên với nghề này và gắn bó với nó cho đến bây giờ.
Hân chia sẻ: “Thời gian đầu vì còn rảnh rỗi nên mỗi tháng mình cũng đi làm ôsin kiếm được 4 - 5 triệu. Sau này vì bận học, mình chỉ có thể làm giúp việc theo giờ, mỗi tháng nhận được tiền lương từ 2,5 - 3 triệu. Mà hình như mình có duyên làm giúp việc thật, vì đến làm cho gia đình nào cũng đều được chủ nhà quý mến và giúp đỡ nhiều. Chỉ là đôi khi, công việc dọn dẹp, nấu nướng cũng hơi vất vả chút”.
Điều kỳ lạ là, Hân làm ôsin kiếm tiền không phải để trang trải cuộc sống, phục vụ nhu cầu ăn, mặc, ở của bản thân mà là để có tiền làm từ thiện. Gần như toàn bộ số tiền có được từ việc làm thêm, Hân đổ dồn hết cho các dự án giúp đỡ người nghèo.
Trước ý tưởng kỳ lạ của cô nàng, có không ít người thắc mắc. Hân chỉ cười bảo: “Muốn làm từ thiện thì phải có tiền, vì lúc đó mình không có nguồn tài trợ. Mà muốn có tiền thì phải tự đi làm thôi. Mình không quan trọng đó là công việc gì, chỉ cần không vi phạm pháp luật, đạo đức là được. Hơn nữa, làm ôsin vừa kiếm ra tiền lại vừa gói ghém được đồ ăn thừa còn ngon, sạch sẽ đi phân phát cho người vô gia cư”.
Niềm đam mê làm từ thiện của Hân cũng đến rất tự nhiên. Mùa đông năm ngoái, khi đọc được một bài báo viết về cảnh học sinh vùng cao đói rét đến trường, Hân đã khao khát được đến đó, khoác lên người các em những tấm áo ấm. Nghĩ là làm, Hân lấy số tiền tiết kiệm được đi mua giày, ủng và áo khoác. Bên cạnh đó, cô bạn cũng tìm đến diễn đàn xã hội của các ông bố, bà mẹ, nhắn tin cho từng người xin quần áo, vật dụng thừa không dùng đến.
Chỉ sau vài ngày, một mình Hân đã quyên góp được 10 bao tải quần áo, vật dụng cá nhân. Cô bạn bắt đầu liên hệ với lãnh đạo tỉnh, huyện, xã… của nơi muốn đến nhờ người ra đón và dẫn đường.
“Mình đã chuẩn bị tâm sức, sẵn sàng cho chuyến từ thiện một mình lên huyện Lùng Tám (Hà Giang), nhưng sau đó có hai người bạn ngỏ ý muốn đi cùng nên mình đã có bạn đồng hành. Nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ khi đón nhận tấm áo ấm cùng cảm giác hạnh phúc khi làm được việc ý nghĩa là điều mình không bao giờ quên trong chuyến đi đầu tiên ấy”, Hân nở nụ cười hiền.
Trở về Hà Nội, cô nữ sinh trường FPT tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ làm thiện nguyện. Hân đã lên kế hoạch làm từ thiện trên chính mảnh đất Thủ đô với tên gọi “nắm cơm tình thương”.
Một tuần hai lần, Hân tự tay nấu nồi cơm to, nắm thành từng nắm rồi trộn với muối vừng tự giã, đi phân phát cho người vô gia cư. Cô bạn cùng nhóm của mình thường khởi hành vào lúc 12h đêm, đi qua ga Hà Nội, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân bởi, đó là những nơi người vô gia cư tập trung đông nhất.
3 giờ sáng trở về nhà, tuy mắt mỏi, chân tay rã rời nhưng nhìn nồi cơm hết sạch và hồi tưởng lại ánh mắt đầy niềm vui của những người vô gia cư khi nhận được cơm, Hân lại mỉm cười và chìm vào giấc ngủ ngon lành.
Hân chia sẻ: “Mình từng nghe ai đó nói rằng “không nên đợi giàu mới làm từ thiện”. Đúng vậy, nếu muốn chúng ta có thể làm từ thiện bất cứ lúc nào, chỉ cần thật sự có tâm. Và khi cho ai đó thứ gì, hãy bớt thêm chút thời gian nữa ngồi lại hỏi han, lắng nghe câu chuyện của họ bởi “của cho không bằng cách cho”.
Tuổi thơ dữ dội
Nghe Trịnh Hân kể về tuổi thơ có lẽ sẽ chẳng ai còn thắc mắc tại sao cô gái trẻ lại đam mê thiện nguyện đến vậy.
Hân là con gái thứ 3 của một gia đình có 4 chị em. Năm 1992, trong một trận mưa lớn, ngôi nhà Hân đang ở bỗng bị sụt lún, đổ ập xuống cướp đi vĩnh viễn mạng sống bố mẹ Hân. Lúc đó, chị gái Hân mới lên 8, anh trai lên 7, Hân được một tuổi rưỡi, còn em gái mới tròn 5 tháng tuổi.
Sau khi cha mẹ mất đi, em gái út của Hân được hai bác đón về nuôi dưỡng. Còn lại ba chị em lớn lên nhờ gánh hàng rong và hạt lúa của bà. Hân nhớ lại: “Có lẽ mình không bao giờ quên được hình ảnh bà còng lưng chống gậy lội xuống đồng cấy lúa, lúc đó bà đã hơn 70 tuổi. Khi xưa, ông nội mất sớm, một mình bà nuôi nấng bốn người con. Giờ con trai và con dâu mất đi, một mình bà một lần nữa lại phải nuôi ba người cháu nhỏ”.
Khi Hân lên 10 tuổi thì bà mất. Ba chị em tự chăm nom nhau. Chuỗi ngày ấy quả thực chẳng dễ dàng gì. 20 tuổi, chị gái Hân theo bác sang Nga xuất khẩu lao động, gửi tiền về nuôi hai em ăn học. Từ đó, cuộc sống mới bớt phần nhọc nhằn, đói khổ.
Vì phải trải qua những năm tháng tuổi thơ khó khăn như vậy nên hơn ai hết, Hân hiểu giá trị của lòng thiện nguyện. Bước chân vào cánh cổng trường đại học, cũng là lúc cô nàng triển khai dự định làm từ thiện của mình.
Hiện tại, Hân đang thành lập “quỹ 5000 đồng”, kêu gọi mọi người ủng hộ để mở “quán cơm 5.000 đồng” trong tương lai. “Mình muốn mở một quán cơm giá rẻ cho người nghèo, trong đó có cả cơm ngon, canh ngọt, nước uống lẫn chỗ ngồi thoáng mát. Dự án còn gặp nhiều khó khăn nhưng mình tin nếu mọi người chung tay thì chắc chắc sẽ làm được”, Hân chia sẻ.
Trước khi “quán cơm 5000” ra đời thì những nắm cơm nhỏ trộn muối vừng cùng tình yêu thương của cô nữ sinh tốt bụng vẫn được chuyển đến những người vô gia cư trên mảnh đất Thủ đô.