Hướng giới trẻ tới sự học
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc xây một công trình hay bảo tồn một di tích để khuyến khích việc học là đáng hoan nghênh. "Nếu như ở đấy đã có một Văn Miếu, bây giờ xây dựng lại thì nên hiểu đó là một trung tâm mang tính khuyến học nhiều hơn. Văn Miếu là nơi chúng ta nhớ lại để trân trọng quá khứ. Dù vậy, không nên làm theo kiểu giữ nguyên vẹn Văn Miếu chỉ là nơi thờ Khổng Tử cho dù Khổng Tử là nhân vật để lại dấu ấn sâu sắc trong nền văn hóa thế giới cũng như Việt Nam", ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Về công trình hoành tráng đã được tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, công trình đã xây dựng rồi, vấn đề còn lại là sử dụng như thế nào cho hiệu quả.
"Chuyện đầu tư thế nào tôi không bàn tới, nhưng đã có công trình rồi thì phải biết sử dụng, khai thác tối đa công năng của nó. Hãy để nó phát huy được tối đa hiệu quả, đặc biệt làm sao để giáo dục cho giới trẻ hướng tới sự tích cực của việc học trong một xã hội hiện đại hôm nay" - ông Quốc nói.
Chưa phải thời điểm thích hợp
Trong khi đó, theo ĐBQH - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), nếu Vĩnh Phúc bỏ ra gần 300 tỉ đồng để xây dựng một công trình như Văn Miếu thì cần phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc. Theo hòa thượng này, có thể xây dựng Văn Miếu đẹp đẽ, trang nghiêm, thậm chí là hoành tráng để con cháu sau này nhìn vào đó mà tự hào, nhìn vào đó để được tiếp thêm ý chí học tập.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để xây dựng một công trình lớn đến vậy. Bởi trong thời điểm này, đất nước còn khó khăn, tình trạng thất nghiệp còn nhiều, không ít doanh nghiệp vì thiếu vốn dẫn đến phá sản, các bệnh viện quá tải, thiếu trang thiết bị… Không thể lấy ngân sách ra để làm một công việc quá sức. Vả lại, xây dựng Văn Miếu không phải là việc quá cần kíp lúc này.
"Tôi được biết, hiện nay Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích lịch sử miếu mạo, đền thờ, trong đó có hàng chục di tích được xếp hàng quốc gia. Người dân Vĩnh Phúc cũng nói rằng ở nhiều nơi, các di tích đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Vậy tại sao không trích một khoản tiền ra để trùng tu những di tích lịch sử đang xuống cấp trước đã? Đó mới là việc nên làm trong thời điểm hiện tại" - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ.