Trao đổi với phóng viên ngày 9.6, GS Cương bày tỏ: “Nếu trước đây thi tuyển, công bằng 1 chọi 1, người ta không nghĩ đến phải làm đẹp cái học bạ làm gì. Bây giờ chỉ có mỗi học bạ là căn cứ để xét, có phụ huynh nói với tôi họ phải mua điểm 10 vào học bạ cho con, 2 triệu đồng/1 điểm 10. Nếu có, điều đó thật đau lòng cho nền giáo dục”.
Theo chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường chỉ tuyển 600 em nhưng có tới hơn 1.000 em có học bạ 100 điểm (tính tổng điểm 2 môn toán, tiếng Việt trong 5 năm tiểu học) khiến nhà trường rất đau đầu. “Hiện chúng tôi chưa tìm ra cách giải quyết. Bây giờ làm thế nào để loại 40% học bạ đạt tối đa 100% điểm 10 là một bài toán vô cùng đau đầu” - GS Cương nói.
Với thực tế “học bạ đẹp” một cách bất thường như ở Trường THCS Lương Thế Vinh, GS Văn Như Cương lo ngại xa hơn khi kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ có 50% xét tuyển điểm học bạ. Ông cho rằng việc xét tuyển học bạ để đạt tốt nghiệp thì có thể chấp nhận được vì nó chỉ là để công nhận học sinh đã hoàn thành 12 năm học phổ thông. “Tuy nhiên, vấn đề là điểm học bạ cũng ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hiện nay, rất nhiều trường ĐH, CĐ chỉ xét tuyển bằng học bạ hoặc lấy học bạ làm một tiêu chí để xét tuyển vào trường. Việc làm đẹp học bạ cấp 3 chắc chắn sẽ có và nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của các trường cũng dùng điểm này để xét tuyển”.
Nhìn nhận sự việc này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục cho mọi người cho rằng: “Ngành giáo dục cho rằng việc thi cử là tạo áp lực cho học sinh nên cấm không chấm điểm, cấm không thi tuyển vào lớp 6, nhưng chỉ cấm thôi không đủ. Trước khi cấm phải đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Chính sách nào đưa ra cũng cần có giải pháp đồng bộ, đừng đẩy trường và học sinh vào thế… không biết phải làm thế nào”.