Dân Việt

Gặp nhà nghiên cứu Bửu Ý - người nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp

10/06/2015 08:38 GMT+7
Ông Bửu Ý là một dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Huế. Ông còn là một giáo viên tiếng Pháp đã có nhiều công trình nghiên cứu cũng như dịch thuật tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Với những đóng góp trong việc truyền bá văn hóa Pháp, ông Bửu Ý vừa được trao huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp.

Dù đã có tuổi nhưng ông vẫn tràn trề năng lượng. Ông chia sẻ: Khi tôi lên nhận huân chương Cành cọ Hàn lâm do Đại sứ Cộng hòa Pháp trao tặng, tôi cảm nhận phía Pháp đã thấu hiểu nỗ lực của tôi trong việc quảng bá văn hoá, văn học Pháp đến với Việt Nam. Đây là một phần thưởng hoàn toàn có giá trị tinh thần. Huân chương được trao có nghĩa là thừa nhận công lao mình đóng góp vào sự phổ biến văn hóa Pháp và thắt chặt tình đoàn kết giữa hai quốc gia Pháp - Việt.

Cơ duyên nào đưa ông đến với việc nghiên cứu văn hóa Huế cũng như việc dịch thuật?

- Từ thời học cấp 2, tôi đã tiếp cận và nghiên cứu văn học Pháp rồi. Ông thân sinh của tôi là người giỏi tiếng Pháp, dạy tiếng Pháp cho con cái trong nhà. Nhờ ông ấy mà tôi làm quen, tiếp cận, yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Còn về việc nghiên cứu văn hóa Huế lại có xuất xứ từ gốc gác của mình. Tôi sinh trưởng, lớn lên và trưởng thành tại vùng đất này. Hằng ngày tôi suy nghĩ, tìm hiểu, cộng với ngôn ngữ tiếng Pháp - phương tiện hữu ích cho việc tìm hiểu thêm vùng đất sinh sống của mình.

Ví dụ sách của những sử gia, nhà dân tộc học Pháp viết về Huế rất sâu xa, viết bằng cả tấm lòng về Huế. Vì Huế là một thành phố lớn, từng là kinh đô của cả nước nên những người nước ngoài nghiên cứu Việt Nam thì có nhiều người nghiên cứu về Huế. Và những nghiên cứu của họ đến được tay mình. Đó là phương cách để hiểu sâu thêm về thành phố quê hương mình. 

img

Nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu văn hóa Huế, ông có thể cho biết văn hóa Huế có những nét đặc trưng gì khác so với văn hóa trong khu vực và trên thế giới?

- Huế là một vùng đất có lịch sử riêng của nó, nằm trong lịch sử đất nước, là kinh đô của Việt Nam gần một thế kỷ rưỡi. Huế vừa là vùng đất của sông Hương núi Ngự vừa là nơi quần tụ nhiều chùa chiền. Thiên nhiên hoà quyện vào nhau, sơn thuỷ hữu tình. Sống trong một mảnh đất dày trầm tích về văn hoá, thiên nhiên hài hoà như vậy, con người Huế từ lâu sống đùm bọc, chan hoà lẫn nhau.

Qua thời gian lịch sử, Huế đã tạo cho mình một số truyền thống đáng quý, vừa hun đúc cho cá nhân, vừa tô bồi cho những giá trị của gia đình và ra ngoài xã hội. Giá trị về di sản, về văn hóa nghệ thuật… tất cả đã cho Huế xứng danh là thành phố Festival của cả nước. Nếu Huế không được tin cậy, làm sao có thể trở thành thành phố Festival của cả nước được. 

img

Tấm bằng cùng huân chương do đại sứ Cộng hòa Pháp thay mặt Bộ trưởng Giáo dục Cộng hòa Pháp tặng cho ông Bửu Ý

Trong quá trình nghiên cứu và dịch thuật và truyền bá văn hóa Pháp, ông đã gặp phải những khó khăn, thách thức gì?

- Những việc nghiên cứu và dịch thuật đòi hỏi ở người nghiên cứu luôn luôn phải đi xa hơn, đào sâu thêm. Đó là thách thức lớn trong quá trình làm việc. Dù đã đi được một đoạn đường dài như thế nào thì vẫn đòi hỏi và bắt buộc người nghiên cứu phải đi những bước khó hơn, xa hơn nữa. Người nghiên cứu không bao giờ bằng lòng với những gì mình làm, những thành công dễ dàng.

Trong việc nghiên cứu văn hoá Pháp, những tập tục, thói quen, văn hoá Tây phương có những nét khác biệt, không phù hợp với văn hoá Việt Nam, nên mình phải làm sao để công chúng Việt Nam tiếp cận văn hoá Pháp một cách gần nhất nhưng không bị ảnh hưởng quá sâu những chênh lệch về văn hoá Đông-Tây, giữ vững được nét văn hoá dân tộc. Và cái khó, thách thức luôn nằm ở đó. 

img

Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ trưởng giáo dục Cộng hòa Pháp trao tặng

Ông có nhắn nhủ điều gì với những người trẻ, người quan tâm đến văn hóa nghệ thuật Pháp - Việt và những công trình nghiên cứu của ông không?

- Trong khi bản thân tôi làm những công việc của mình, tôi luôn luôn nghĩ rằng: Văn hóa luôn là nền tảng vững chắc và đáng tin cậy hơn cả cho sự tiến bộ xã hội. Người trẻ muốn tìm hiểu về văn hoá Huế, yêu văn hoá Huế thì điều cốt lõi là phải luôn trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt, phát huy tiếng mẹ đẻ để hiểu thêm về văn hoá quê cha đất mẹ.

Bên cạnh đó, thời đại này là thời đại toàn cầu hóa, ta không thể tự khép mình vào văn hóa nước nhà được mà phải nghĩ đến việc tham khảo văn hóa của nước ngoài. Có những khởi đầu bằng việc làm cụ thể và tương đối dễ dàng như việc trau dồi về ngoại ngữ. Nếu ngoại ngữ không vững vàng thì ta khó có thể nói chuyện bình đẳng chuyện bằng cấp trong nước và ngoài nước được. Làm sao cho sinh viên Việt Nam đi ra nước ngoài đưa bằng tốt nghiệp trong nước của mình ra là được thế giới chấp nhận. Đó mới là điều chúng ta cần quan tâm.

Cảm ơn và chúc ông gặt hái thêm nhiều thành tựu!