Dân Việt

Khả năng siêu phàm của “người tiền sử” ở Phong Nha-Kẻ Bàng

Hoàng Nam (Tiền Phong) 11/06/2015 00:00 GMT+7
Người A Rem vào rừng, trên tay chỉ cần 1 con dao là họ có thể sinh tồn mà không sợ đói rét. Từ con dao sắc lẹm này, họ có thể tạo ra những tư liệu sản xuất hiệu quả, tạo ra lương thực, thực phẩm, thậm chí là rượu, hay nước uống để tồn tại giữa chốn thâm sơn cùng cốc.

img
Sản vật lấy từ suối Rục Cà Roòng

 

Nước uống từ dây rừng

Mặc dù tin lời ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư chi bộ xã Tân Trạch, nhưng thực sự chúng tôi vẫn hoang mang nhưng không nói ra, khi mà giữa ngày hè nắng như đổ lửa lại không mang theo nước uống để vào rừng.

Kỹ năng sinh tồn của người A Rem đạt đến độ siêu phàm. Họ uyển chuyển trong cách tiếp cận với rừng, tôn trọng núi rừng như chính họ.

                       Ông Nguyễn Chí Sỹ
Ở những trạm dừng chân “bất đắc dĩ” do cánh báo chí chúng tôi không thể theo kịp bước chân của đoàn, già làng Đinh Rầu lại lặng lẽ len lỏi giữa những bụi rậm, dùng con dao bén ngọt của mình chặt khúc những dây leo to bằng cổ tay, dài chừng một mét, ôm ra cả bó để trước mặt mọi người bảo “uống đi cho đỡ khát”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông cầm một khúc dây leo lên, dốc ngược, nước từ dây leo tuôn chảy thành dòng nuốt không kịp. Chúng tôi làm theo, một thứ nước mát lạnh, thơm ngon từ những dây leo tưởng chừng như vô dụng nằm ở hai bên lối đi tuôn đầy vòm miệng. Cơn khát tức thì biến mất.

 

Già làng Đinh Rầu giới thiệu: Ở vùng rừng này có đến trên 30 loại dây leo có thể dùng để giải khát. Mỗi cây có một vị riêng, từ hương lúa, hương khoai, đến hương trầm hay các hương gỗ quý trong rừng. Có những dây leo có vị chát nhưng lại rất đặc hiệu trong chữa bệnh đau bụng khi gặp phải lam sơn chướng khí.

Giữa muôn trùng khối núi đá vôi của Phong Nha - Kẻ Bàng, không phải nơi nào cũng có khe suối để có nước uống. Nhờ kỹ năng này, người A Rem có thể săn bắt hái lượm cả tháng trong rừng vẫn không sợ chết khát. Thậm chí, có những dây leo cho cả trăm lít nước dùng để nấu ăn hay tắm giặt. Ở những nơi không có khe suối, chỉ cần tìm một cây dây leo thật to, thật dài, dùng dao cắt ở gốc rồi kéo nó về ở một hốc đá nào đó. Chỉ cần qua một đêm, hốc đá sẽ đầy nước. Người A Rem múc nước ở đó để dùng cho sinh hoạt hằng ngày.

Già làng Đinh Rầu cho biết: Việc nhận biết dây leo có nước để dùng là bí truyền của người A Rem. Người Kinh cũng có thể nhận biết được vài loại dây leo, nhưng đa số họ dùng nước đọng trong các đốt cây lồ ô (thuộc họ tre, trúc mọc giữa rừng). Loại nước này có độc, vì muỗi và côn trùng thường vào đó sinh đẻ, nên rất dễ đau bụng hoặc sốt rét nếu không được nấu chín.

Ông Sỹ cho biết thêm: Người A Rem quý nước hơn tất cả. Họ quan niệm có nước là có sự sống, nên không gian sinh sống của người A Rem xưa thường là bên những con suối. Nước cho họ thức ăn, nước cho họ uống, nước cho họ tắm giặt... Việc tìm ra những loài dây leo có nước chỉ là giải pháp tạm thời của người A Rem trong mỗi chuyến đi xa ở những nơi không có khe suối.

Ngày nay, người A Rem vẫn còn lưu giữ lễ hội xuống nước từ ngàn xưa để lại. Hằng năm, cứ vào rằm tháng 7, người A Rem dắt díu nhau về con suối Rục Cà Roòng để tổ chức lễ hội xuống nước. Họ đặt những sản vật ngon nhất thu hái được lên những chiếc bàn đá giữa lòng suối Rục Cà Roòng, già làng đứng ra khấn vái trời đất, thần rừng, thần nước. Xong xuôi, tất cả mọi người cùng ào xuống nước để tắm gội như cách tẩy trần trong một năm. Họ phân ra hai vùng, phụ nữ, con gái tắm riêng, đàn ông con trai tắm riêng, duy nhất chỉ có già làng mới được tắm ở đoạn suối trước khi đổ vào 3 cửa hang (như đã nói ở kỳ 1).

 

img

Già làng Đinh Rầu đang sắp xếp lễ vật trên bàn đá thiêng ở suối Rục Cà Roòng mô tả lễ hội xuống nước của người A Rem

Có một điều đặc biệt, những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh nở, sau mỗi lần từ lễ hội xuống nước khoảng 1 tuần, trở về thì kiểu gì cũng mang bầu. Rất ít người A Rem bị vô sinh, nên con suối này trở nên nổi tiếng, những người hiếm muộn ở những tộc người khác vẫn lén lút đến đây để tắm với hi vọng sinh con. Ông Sỹ lí giải: Có lẽ khi đến đây, nhờ sản vật phong phú, thời tiết mát mẻ, cộng với tinh thần thoải mái nên họ dễ mang bầu chăng? Còn có thần bí hay không thì thực sự khó giải thích.

 

Bữa cơm từ sản vật của Rục Cà Roòng

Chúng tôi tìm chỗ hạ trại bên suối Rục Cà Roòng, cũng là lúc mặt trời bắt đầu khuất núi. Nói hạ trại chứ thực chất là tìm cách mắc những chiếc võng dưới những tán cây bên suối. Một bếp lửa được nhóm lên từ những que củi khô, nhưng không phải bằng diêm hay bật lửa mà bằng chính hai hòn đá nằm lăn lóc bên suối.

Thấy chúng tôi háo hức với màn đánh lửa ngoạn mục của người A Rem, già làng Đinh Rầu tỉ mẩn dạy chúng tôi cách ghè hai hòn đá vào nhau để phát ra lửa. Theo già làng Đinh Rầu: Loại đá nào cũng có thể phát ra lửa, nhưng đá càng cứng thì lửa càng mạnh. Ghè đá phải có kỹ thuật, hai hòn đá phải được đánh vào nhau liên tục và dứt khoát để tia lửa làm nóng bùi nhùi và bốc cháy.

Trong lúc chúng tôi đang học cách ghè đá, những thanh niên A Rem đi cùng, người nào việc ấy tỏa ra khắp hướng để tìm sản vật cho bữa cơm tối của đoàn. Đinh Kinh thì mang theo mảnh lưới trầm mình xuống suối, Đinh Lâm ngồi vót lao đâm cá, Đinh Cu men theo bờ suối hái rau rừng. Trong lúc chờ cá vướng vào lưới, Đinh Kinh tranh thủ nhặt những con ốc khe đen thui, to bằng đầu ngón tay cho vào rá (được đan bằng tre, nhỏ hơn rổ). Nghe nói đây là loài ốc khe ngon nhất, chỉ có ở suối Rục Cà Roòng.

img

Chỉ cần một tay lưới nhỏ là giải quyết được thức ăn cho nhiều người

Chưa đến 1 giờ đồng hồ, mỗi người mỗi thứ, nào là ốc khe, cá piu, rau dớn... Đặc biệt Đinh Cu còn hái thêm được một mớ rễ cây “tăng lực” cho đàn ông mà người A Rem gọi là A Roàng PLài. Đây là loại cây mọc ở hai bên suối, rễ nó xuyên đất đá để vươn tới nơi có nước suối. Người hái chỉ cần cắt phần nhỏ ra dưới nước của rễ cây mang về dùng. Nghe nói loại này tốt nhất là ngâm rượu đủ 3 tháng 10 ngày mang ra dùng, còn không thì bỏ vào nồi nấu nước uống cũng có tác dụng tăng lực.

Bữa cơm tự kiếm vội bên suối nhưng không kém phần thịnh soạn, đủ những món từ sản vật của vùng đất thiêng Rục Cà Roòng. Nào là cá piu nướng, nấu canh chua, rau dớn luộc, xào, ốc khe luộc... Và một can rượu đoác mang sẵn từ bản đi, vì chuyến đi ngắn, không đủ thời gian cho rượu đoác lên men ở trong rừng. Hầu hết bữa cơm đều được chế biến từ sản vật lấy ngay tại rừng, duy chỉ có cơm là gạo từ nhà mang theo.

Bữa cơm thơm phức, tiếng cười nói vang cả một góc rừng. Già làng Đinh Rầu nói: “Chuyến này có nhà báo đi theo nên phải mang nhiều thứ, còn người A Rem mình đi chỉ mang theo dao thôi. Vào rừng cái gì cũng có, biết cách làm là không sợ đói mô”. Theo già làng Đinh Rầu, thức ăn trong rừng rất dễ kiếm, lấy bột nhúc, bột đoác (loại cây họ dừa) thay cơm, đến muối cũng có thể khắc phục bằng cách đốt cỏ tranh lấy than làm muối.

Ông Nguyễn Chí Sỹ khẳng định: Kỹ năng sinh tồn của người A Rem đạt đến độ siêu phàm. Họ uyển chuyển trong cách tiếp cận với rừng, tôn trọng núi rừng như chính họ. Ngay tên gọi các sự vật, hiện tượng của người A Rem bao giờ cũng có chữ A đứng đầu. Ngay cách lấy mật ong của người A Rem cũng đặc biệt. Họ cố gắng không làm tổn thương đến con ong. Họ không bao giờ dùng bùi nhùi để hun ong. Họ trèo lên cây mặt đối mặt với lũ ong, dùng dao cắt phần sáp ong mang xuống mặc cho ong bâu đen người. Bao giờ cũng vậy, họ không cắt hết tổ ong, mà chừa lại một phần nhộng và mật để ong phát triển, mùa sau cho mật.

Nghề lấy mật ong của người A Rem đạt đến độ tuyệt kỹ. Cách đây 3 năm, ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế), một cây cổ thụ có đến 500 tổ ong, dân bản địa không dám lên lấy mật, bởi cứ động vào tổ này thì ong ở tổ kia xua quân đốt. Người bản địa phải tìm ra Tân Trạch để thuê người A Rem vào lấy mật. Họ nằm ở trên cây đúng một tuần mới lấy hết mật ong trên cây cổ thụ kia.