Mấy ngày nay, căn nhà của ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Chung (Việt Yên, Bắc Giang) trở nên tươm tất hơn khi có bàn tay vun vén của con gái thứ hai Nguyễn Thị Quyền - vừa về nhà sau 6 năm đi xuất khẩu lao động.
"Bố trở về tự do, trong sạch như ngày hôm nay là tôi mãn nguyện rồi. Bao nhiêu cay đắng, khổ cực trong những năm qua đã được đền đáp. Ông trời cũng không để cho gia đình tôi thiệt thòi mãi", chị chia sẻ.
10 năm trước, ông Chấn vướng vòng lao lý. Gia đình ly tán, các con bỏ học, bỏ làm, phiêu bạt khắp nơi. Quyền là con gái thứ hai bỏ làm công nhân, tìm cách đi Đài Loan xuất khẩu lao động.
Chị bảo ngày trước kinh tế gia đình thuộc diện khá giả trong làng. Mẹ bán hàng, bố kéo xe ngựa chở hàng thuê rồi tranh thủ xát gạo, nấu rượu. Bốn anh chị em đều được đến trường, trong gia đình không khi nào ngớt tiếng cười đùa.
Khi Quyền học xong cấp 3, ông Chấn bán trâu cho 3 triệu đồng đi học nghề may. Cô con gái chỉ mong ước đi làm vài năm, kiếm tiền mở một hàng may nho nhỏ rồi lấy một tấm chồng, sống cuộc đời bình bị ở quê. Ngày bố bất ngờ bị bắt, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Những hoài bão ước mơ bị dập tắt.
"Lúc đó, tôi không biết bố mình có làm gì tội lỗi hay không mà lại bị giam? Ông chưa bao giờ bước chân khỏi lũy tre làng, đâu thể gây nên tội lỗi tày trời như thế. Thậm chí, ông còn chưa bao giờ đánh đòn anh mấy anh em tôi", chị Quyền kể lại và vẫn thấy ân hận chỉ vì mặc cảm, tự ti trước điều tiếng của người đời khiến chị không tin tưởng bố tuyệt đối ngay từ đầu.
Không chịu được những lời xì xào, bàn tán của người đời, Quyền nhiều lần xin chuyển chỗ làm nhưng tiếng xấu vẫn cứ đeo bám. Năm 2009, Quyền chạy vạy vay tiền đi xuất khẩu lao động với mong muốn có thể giúp bố sớm giải oan, giúp mẹ đỡ gánh nặng kinh tế.
Khi mẹ khuyên ở nhà lấy chồng, không phải gánh vác việc gia đình, Quyền cố thuyết phục: "Mẹ để con đi. Con còn ở nhà thì còn là con của bố mẹ, còn giúp được gia đình. Con lấy chồng rồi phải chăm lo cho chồng, gia đình chồng. Bao giờ bố được minh oan, con về lấy chồng cũng chưa muộn".
Không thay đổi được quyết định của con, bà Chiến đành thuận theo. Lên thăm bố ở trại giam trước khi đi, ông Chấn buồn bã khuyên suy nghĩ lại, ông sợ đi vài năm rồi sẽ quá lứa lỡ thì. Quyền khóc nói với ông rằng ngày nào bố còn hàm oan thì ngày đó quyết không lấy chồng. "Con sẽ đi làm kiếm tiền minh oan cho bố", Quyền kể lại.
6 năm xa xứ, Quyền làm việc quần quật từ sáng tới tối với ý nghĩ duy nhất là kiếm tiền. Từ công nhân may mặc chuyển sang làm điện tử, cuối cùng làm người giúp việc. Mỗi tối làm xong việc nhà, chị lại tranh thủ nhận đồ về khâu vá để kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Tháng nào chị cũng "cày tới số" để vừa trả nợ chi phí đi xuất khẩu, vừa gửi tiền về cho mẹ đi kêu oan cho bố. Sợ bị xa lánh nên chị không dám kể với ai về hoàn cảnh gia đình, âm thầm chịu đựng.
Quyền chắt chiu từng đồng, vay mượn thêm bạn bè để hàng tháng gửi về nhà. Chị kể, nhiều khi thèm một cốc trân châu, tính ra 20.000 đồng, nhưng nghĩ số tiền đó mẹ có thể mua đồ ăn cho cả gia đình nên lại không dám uống nữa. 6 năm kham khổ tạo cho chị thói quen chỉ ăn cơm và uống nước lọc, không uống bất kỳ thứ nước giải khát hoặc đồ uống có ga.
"Mỗi lần kiệt sức, chỉ cần nghĩ về gia đình, nghĩ về bố ở trong trại giam, gầy yếu, khổ sở, đau đáu chờ ngày được minh oan là tôi lại tiếp tục làm việc và nhủ mình sẽ vượt qua tất cả", chị òa khóc.
Bước chân về làng Me, Quyền bảo thấy những nóc nhà cao tầng mọc lên san sát, nhà có xe tay ga đi, có nhà còn sắm được cả ôtô, chỉ có căn nhà chị lớn lên từ thời thơ bé là không đổi khác, vẫn cũ kỹ như ngày ra đi.
Chị tâm sự, sống ở xứ người dù không sung sướng gì nhưng miếng ăn, cái mặc không phải lo lắng. Giờ về nhà, nhìn mâm cơm nhiều khi chỉ muốn trào nước mắt. Thấy bố mẹ già, bệnh tật, nghèo khổ mà đau lòng. Về nhà được mấy hôm, chị không đi chơi mà tranh thủ gặt lúa, phơi rơm, rồi thu vén lại nhà cửa.
"Ngày còn bé chưa hiểu chuyện đời, có thể lười nhác, đi chơi, cãi lời để bố mẹ lo lắng. Giờ trải qua bao nhiêu biến cố, va vấp, trước mắt tôi chỉ muốn ở bên cạnh, chăm lo cho bố mẹ để bù đắp lại quãng thời gian qua", chị nói.