Người thầy tận tụy
Chiều 10.6, khi sân vận động quốc gia Singapore vô cùng sôi động với những cuộc so tài điền kinh, thì ở Padang, nếu không có biểu tượng chú sư tử Nila cùng hàng chữ SEA Games chạy vòng quanh một “cái lều” dựng tạm, thì chẳng ai nghĩ đây là nơi tổ chức môn bi sắt tại Đại hội thể thao khu vực.
Trao đổi nhanh với tôi, HLV trưởng Đặng Xuân Vui nói: “Ngày đầu tiên khi Nguyễn Thị Thi giành HCV kỹ thuật nữ, chúng tôi cảm thấy khá chạnh lòng khi chỉ có tôi, HLV Lâm Khải Vinh cùng 7 đồng đội của Thi ngồi cổ vũ, hò hét. Trong khi các đội khác, đặc biệt là Thái Lan, họ nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình. Mấy ngày nay, thi thoảng có thêm một vài đoàn khách người Việt sang Singapore du lịch vào nhà thi đấu cổ vũ khiến thầy trò chúng tôi cũng đỡ tủi”.
Nói rồi, HLV Xuân Vui chỉ sang sân bên cạnh nơi mà đôi nam Thạch Lam – Ngô Ron đang thi đấu với Campuchia (trận này Việt Nam thắng 13-0) và giới thiệu cho tôi chàng trai quê Sóc Trăng Ngô Ron (người dân tộc Khmer): “Ý chí, nghị lực của cậu ta tuyệt vời lắm. Cứ hỏi thêm thầy Vinh và bản thân cậu ta là sẽ có câu chuyện hay đấy!”.
Trò chuyện với HLV Khải Vinh của đội bi sắt Quân khu 9, tôi được nghe kể sơ qua về câu chuyện của Ngô Ron: “Cậu ta từng giành được HCV đôi nam bi sắt về cho Sóc Trăng ở giải toàn quốc 2005. Từ thời điểm đó, tôi đã để ý tới Ngô Ron – VĐV có cá tính rất mạnh, đôi khi chỉ thích làm theo ý mình mà thôi, không quen bị gò bó theo kỷ luật, khuôn phép. Chính vì vậy, khi nghe tin cậu ta bỏ tập ở đội Sóc Trăng, năm 2007, tôi đã về tận nhà Ngô Ron để động viên Ron về với đội Quân khu 9. Nhà Ngô Ron nghèo lắm, bố lại bệnh liên miên… Nhà có ít ruộng, mẹ cậu ta làm không đủ ăn, phải đi làm thuê nữa”.
Nghe lời thầy Vinh, Ngô Ron nhập ngũ năm 2008. Ở đội bi sắt Quân khu 9, Ngô Ron được thầy Vinh dạy bảo rất nhiều. Như một người anh, thầy Vinh chỉ bảo cho Ngô Ron từ lời ăn, tiếng nói, biết cách phải sinh hoạt chừng mực, tuân thủ kỷ luật trong môi trường bộ đội.
“Tôi nói nhiều lắm và Ngô Ron cũng hiểu ra, bỏ những thói quen xấu như uống rượu, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần tập luyện. Giờ Ron đã biết tiết kiệm lương gửi về cho vợ nuôi con và còn phụ giúp thêm kinh tế cho mẹ chăm cha đang bệnh. Những ngày qua, Ngô Ron đã giành được HCĐ đơn nam. Ngày 11.6, Ngô Ron và Thạch Lam được kỳ vọng sẽ giành HCV đôi nam”.
Giành HCV lấy tiền chữa bệnh cho cha
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ giữa các trận đấu, tôi được nghe chàng trai 28 tuổi này trải lòng. Ron tỏ ra vô cùng thân thiện, từng câu, từng chữ nói rất chậm như để ngăn dòng cảm xúc cuồn cuộn trong lòng: “Nhà em có 3 chị em, chị cả đã lấy chồng, em trai em làm bánh cũng vất vả lắm. Ở nhà, mọi công việc giờ chỉ trông vào mẹ em lo cho cha và bà nội đã cao tuổi”.
Hiểu hoàn cảnh gia đình như thế, hàng tháng, với khoản lương trung úy 6 triệu đồng, Ngô Ron chỉ giữ lại 500.000 cho mình, gửi 4 triệu cho vợ nuôi con gái năm nay mới hơn 2 tuổi (Ngô Ron ở bên nhà vợ), và gửi 1,5 triệu phụ giúp mẹ lo cho cha.
“Đi thi đấu xa nhà như này em cũng nhớ con lắm nhưng tự nhủ sẽ phải cố gắng thi đấu thật tốt để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Giành được huy chương, em cũng có thêm tiền thưởng để lo cho vợ con và quan trọng nhất là có được chút tiền đưa cha đi khám bệnh, rồi lo thuốc thang cho cha” - Ngô Ron tâm sự.