Dân Việt

Quốc hội chất vấn các bộ trưởng: “Làm cho rõ trách nhiệm người đứng đầu”

Ngọc Lương (ghi) 11/06/2015 06:50 GMT+7
Hôm nay (11.6), Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn với hai thành viên Chính phủ đăng đàn là Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương. Các vị ĐBQH đã chia sẻ mối quan tâm của mình với PV NTNN về phiên chất vấn hôm nay.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Chưa thấy đưa ra giải pháp khả thi

img
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát. Ảnh: I.T

Tôi đặc biệt quan tâm tới giải pháp Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ đưa ra để tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt gắn với việc phát động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Để thực hiện việc này Bộ trưởng đã đưa ra khá nhiều giải pháp nhưng có mấy vấn đề quan trọng lại không thấy Bộ trưởng đưa ra giải pháp khả thi. Thứ nhất là dư lượng tạp chất trong sản phẩm vẫn cao. Thứ hai là thương hiệu sản phẩm không mạnh. Thứ ba là hàng nhái, hàng giả đang tràn ngập thị trường. Phát động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước nhưng chất lượng hàng hóa kiểu "vàng thau lẫn lộn" thì làm sao khuyến khích người dân dùng được. Vấn đề này liên quan đến việc kiểm định chất lượng hàng hóa mà tôi từng chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ở kỳ họp trước.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Tăng trách nhiệm của các bộ trưởng

Tôi nghĩ các ĐBQH sẽ nêu ra nhiều câu hỏi xác đáng, thiết thực dành cho các bộ trưởng. Nhưng tôi e ngại một điều là các bộ trưởng có trả lời trúng các vấn đề, câu hỏi của ĐBQH hay không và quan trọng hơn nữa là có đưa ra các giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể ra sao? Có những vấn đề tôi thấy chất vấn nhiều năm nhưng chưa có chuyển biến nhiều lắm, ví dụ như vấn đề hàng hóa nông sản vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Như vậy hiệu quả của chất vấn thực sự chưa được phát huy, chưa đi vào cuộc sống. Thông qua chất vấn, bộ trưởng và đặc biệt trách nhiệm Chính phủ phải bằng những giải pháp đột phá mạnh mẽ để thay đổi thực trạng, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ sở. Đặc biệt vai trò của người đứng đầu địa phương là rất quan trọng vì chỉ họ mới rõ đặc điểm dân cư, lao động, tài nguyên thế mạnh của địa phương là gì. Nếu cứ chất vấn xong rồi trả lời như những kỳ trước thì điệp khúc hỏi đi rồi hỏi lại vẫn diễn ra. Cần tăng trách nhiệm của những bộ trưởng được chất vấn.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Tại sao vẫn thiếu các đại gia nông nghiệp?

Tôi quan tâm để chất vấn về vấn đề nông nghiệp mà câu hỏi lớn là chính sách thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Hôm trước, khi Quốc hội thảo luận về kinh tế -xã hội, nhiều ĐB đã đề cập đến chuyện đầu ra cho nông sản.

Trong các Nghị quyết của Đảng đã cho phép, khuyến khích việc tích tụ đất đai để tạo ra một nền nông nghiệp sản xuất với quy mô lớn, không phải manh mún nhưng trong bao nhiêu năm nay vẫn chưa làm được.Vậy trách nhiệm của Bộ NNPTNT trong việc tham mưu cho Chính phủ thế nào? Trong công nghiệp chúng ta có nhiều đại gia rất lớn, nhưng trong nông nghiệp tại sao vẫn thiếu, hay chưa thu hút được họ đầu tư vào nông nghiệp. Đây là vấn đề thực sự của ngành nông nghiệp nước nhà.

Rà soát lại lời hứa của bộ trưởng, theo tôi, vấn đề lâu nay chưa được giải quyết triệt để, khiến cử tri và người dân bức xúc là chuyện phân bón, vật tư nông nghiệp bị làm giả, làm nhái. Mặc dù chúng ta có luật, nhưng việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt còn hạn chế nên vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

 Theo dự kiến, Bộ trưởng NNPTNT  Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn về thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay... Phiên chất vấn chiều 11.6, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các vấn đề: Giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại; Trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản...  
Cử tri Phạm Thị Hằng (Gò Vấp, TP.HCM): Cần giải pháp cho tiêu thụ nông sản

Tại kỳ Quốc hội lần trước, điều làm tôi chú ý nhất là việc Bộ trưởng Bộ NNPTNT cam kết sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Vậy mà thời gian qua, hết dưa hấu rồi đến hành tím ùn ứ, có nơi bà con còn phải đổ bỏ, phải nhờ đến sự giải cứu của những tấm lòng hảo tâm. Không biết Bộ NNPTNT nghĩ gì về trách nhiệm của mình trước cử tri, nhất là với những cử tri là bà con nông dân? Tất nhiên, trách nhiệm này không chỉ thuộc về Bộ NNPTNT. Nhưng rõ ràng việc xây dựng quy hoạch, quản lý và dự báo của ngành nông nghiệp chưa thật sự hiệu quả. Mong Bộ trưởng cần thẳng thắn phân tích, làm rõ nguyên nhân, và quan trọng hơn là đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này.

TS Đặng Đức Đạm – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (Hà Nội): Lời hứa vẫn còn đó

Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã hứa trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, cả trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi… Từ thực tiễn,  tôi thấy Bộ trưởng  đã được thực hiện khá nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn ít nhiều làm theo lối cũ: Sản xuất nhiều, nhưng chất lượng sản phẩm không tốt, không đảm bảo an toàn thực phẩm… nên hiệu quả không cao, giá trị thấp. Theo tôi, một trong những mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp là phải xây dựng cho được một nền nông nghiệp xanh và sạch, có như vậy mới đẩy mạnh được xuất khẩu với sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Có mục tiêu đúng, mới có lộ trình, giải pháp tái cơ cấu đúng. Hy vọng trong phiên trả lời chất vấn hôm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ làm rõ điều này.

Cử tri Trần Hải Minh (Đức Thọ - Hà Tĩnh): Giải quyết tình trạng buôn lậu ra sao?

Buôn lậu đã và đang là quốc nạn của nước ta. Các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương đã nhiều cố gắng xử lý nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Riêng chuyện buôn lậu thuốc lá qua Campuchia; buôn lậu qua đường biên giới Trung Quốc một năm cũng làm cho Nhà nước thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Trong các kỳ họp Quốc hội trước, vấn đề này đã được đặt ra nhưng buôn lậu không giảm mà tăng lên. Bộ trưởng Bộ Công Thương nghĩ thế nào khi mà kỳ họp thứ 6 đã hứa với Quốc hội rằng “Sẽ cố gắng cải thiện tình hình chống buôn lậu”. 

Lê Chiên (ghi)