Dừng sản xuất trên 10.000ha hoa màu
Theo ông Trần Xuân Hòa, do hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều bị ảnh hưởng của nắng nóng và hạn hán, nặng nề nhất là 4 huyện Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải và Ninh Sơn, nên UBND tỉnh đã có Quyết định công bố tình trạng hạn hán khốc liệt. “Theo quy định, nếu hạn hán, thiên tai xảy ra ngoài phạm vi từ 2 huyện trở lên thì đã có thể công bố cấp tỉnh. Khi công bố tình trạng này thì người dân, các cấp có ý thức phòng chống hơn, lúc đó thiệt hại sẽ càng giảm xuống. Trước khi công bố thiên tai, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng ngay sau khi công bố, các biện pháp phòng chống thiên tai cũng được tăng cường”- ông Hòa cho biết. Cũng theo ông Hòa, việc công bố thiên tai để cảnh báo nắng nóng và hạn hán sẽ còn tiếp tục ở mức độ phức tạp và khốc liệt hơn để mọi người từ các cấp chính quyền tới người dân đều nâng cao trách nhiệm, cùng nhau nỗ lực vượt qua hạn hán.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, trước thực trạng hạn hán khốc liệt ở tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định hỗ trợ 172 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đã được giải ngân và 132 tỷ đồng đang rà soát để thực hiện giải ngân hỗ trợ. “Với kinh phí này, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ có điều kiện để hỗ trợ việc chở nước, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để cung cấp đủ nước cho người dân”- ông Tỉnh nói.
Về giải pháp lâu dài, ông Tỉnh cho biết, Bộ NNPTNT đã có dự án thuỷ lợi Tân Mỹ nhưng để triển khai cả dự án sẽ rất lâu, nên Thủ tướng đã đồng ý cho triển khai ngay cho phân đoạn đầu tư xây dựng đập và kênh Tân Mỹ, dự kiến vào mùa khô 2016- 2017 sẽ hoàn thiện, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho 3.700ha. Ngoài ra, Chính phủ và Bộ NNPTNT cũng đang đàm phán với WB và ADB để triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp các hồ, đập để trữ nước, hoàn chỉnh một số kênh mương và kết nối các liên hồ chứa giúp cho các địa phương Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà phòng chống hạn hán.
Hạn hán không phải do thủy điện?
Tại phiên chất vấn các Bộ trưởng hôm qua (11.6), nhiều ĐB đã đặt câu hỏi, tình trạng hạn hán ở Ninh Thuận và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là do đâu, liệu có phải do việc chúng ta làm quá nhiều thủy điện hay do chặt phá rừng, dẫn tới suy giảm diện tích rừng. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận: “Có lẽ đối với người dân Ninh Thuận chưa bao giờ hạn hán gay gắt như năm nay, trong 20 năm công tác, tôi cũng chưa bao giờ thấy hạn hán gay gắt đến như vậy ở Ninh Thuận. Trong 2 năm rồi gần như không có mưa, có nơi 4 vụ không gieo cấy, vụ hè thu này hơn 10.000ha sẽ tiếp tục không thể gieo cấy được”.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hạn, ông Phát cho rằng, trước hết là do El Nino, năm nay El Nino đang bao chùm khu vực của chúng ta nên mưa gió rất thất thường và nắng nóng rất cực đoan. Trước tình hình này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải lường đến tình huống có thể còn xấu hơn, nặng nề hơn, nên chúng ta phải tính những bài toán căn cơ trước mắt và lâu dài. “Ở Ninh Thuận cho thấy, hồ Sông Trâu, Sông Sắt dung tích 60 triệu m3, nhưng có thể không có nước hoặc có rất ít nước, bởi vì rừng ở trên cũng đã suy kiệt, những nơi nào rừng tốt thì hồ nhỏ cũng có nước, những nơi nào không có rừng, hồ lớn không có nước. Vì thế, nên hai việc xây dựng hồ chứa và bảo vệ phát triển rừng phải đi đôi với nhau”- ông Phát nói.
Còn về thủy điện có phải là nguyên nhân dẫn đến hạn ở Ninh Thuận và các tỉnh, ông Phát cho rằng: “Một nửa tỉnh Ninh Thuận canh tác nhờ nước từ thủy điện ở trên Lâm Đồng chảy xuống. Nếu không có thủy điện đó, thì một nửa tỉnh Ninh Thuận không thể gieo cấy, nên ở đây chúng ta cũng phải nhìn thấy hai mặt của vấn đề, chứ thủy điện không làm mất nước ở trên. Vừa qua chúng ta cũng đã rà soát và có những chủ trương về vấn đề này, nhưng theo tôi không phải thủy điện gây nên hạn hán mà ngược lại”.
Về các giải pháp lâu dài, ông Phát cũng cho biết, chúng ta phải hỗ trợ nhân dân để chuyển đổi cây trồng. “Rõ ràng là không thể trồng lúa thì phải trồng các loại cây trồng chịu hạn như đậu, đỗ, ngô- những nơi nào trồng được thì hỗ trợ cho nhân giống và Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 532 tỷ đồng cho các địa phương để các địa phương thực hiện các biện pháp chống hạn và hỗ trợ nhân dân, những nơi nào nhân dân nhiều vụ không sản xuất, không có gạo thì hỗ trợ gạo. Từ đầu năm đến giờ Chính phủ đã quyết định cấp 13.000 tấn gạo về cho các địa phương, trong đó có các địa phương bị hạn”- ông Phát cho biết thêm.