Được biết, Nam Triều là một trong 3 xã của huyện Phú Xuyên được TP.Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2014 vừa qua.
Giảm chi phí nhờ cơ giới hóa
Dưới trời nắng tháng 6, bà Ngô Thị Gọn ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều đang tất bật múc nước tưới cho mạ vừa mới gieo trên sân nhà. Thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, bà Gọn ngơi tay, gạt mồ hôi trên trán bảo: “Vụ mùa đang đến gần, thời tiết ủng hộ, nên phải tưới chăm sóc nhanh còn đưa máy ra đồng cấy cho kịp vụ”.
Nhà cấy gần 1 mẫu lúa, ông Nguyễn Văn Hơn, ở thôn Nam Quất cho biết: “Từ năm 2011 trở lại đây, nhờ xã có chính sách hỗ trợ mua máy móc nông nghiệp áp dụng vào sản xuất, cấy hái nên gia đình anh và bà con trong xã không chỉ giảm được nhiều khoản chi phí, tiết kiệm được nhân công mà lúa cấy cũng đẹp và năng suất tăng lên rõ rệt nên ai cũng phấn khởi”.
Đang làm khay mạ tại sân UBND xã Nam Triều, ông Phạm Việt Hoàn cho biết: “Do gia đình có máy cấy nên luôn chủ động làm sớm và hoàn thành vụ sớm nhất, nhì xã. Xong, tôi còn đưa máy đi cấy thuê cho bà con trong và ngoài huyện nên cũng có thêm nguồn thu nhập khá cao”.
Cũng theo anh Hoàn, ngày từ cuối năm 2011, gia đình anh và nhiều hộ dân khác trong thôn được xã mời đến tham quan mô hình trình diễn cấy máy thấy hiệu quả, nên sau khi về hai vợ chồng anh đã bàn nhau và rủ thêm hai hộ khác trong thôn góp vốn để mua máy cấy với giá gần 90 triệu đồng. “Cái được nhất là khi mua máy cấy, chúng tôi được địa phương hỗ trợ khá nhiều chính sách như vốn vay lãi suất thấp, nên không chỉ tôi mà hàng chục hộ khác trong thôn cũng tự tin mua về làm” – anh Hoàn chia sẻ.
Phấn đầu trên 70% diện tích cấy máy
Trao đổi với NTNN, ông Lương Đại Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Triều cho biết: “Nam Triều là một xã thuần nông với gần 100% diện tích là đồng trũng cấy lúa. Xác định khó khăn đó, ngày từ năm đầu 2011 khi xây dựng NTM, xã đã bắt tay vào triển khai nhanh công cuộc DĐĐT và đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân giảm nhân công và chi phí đầu vào”.
Theo ông Thanh, nhìn chung, năm đầu triển khai còn khá lúng túng do một số hộ dẫn bảo thủ, vẫn giữ tư duy sản xuất truyền thống, sợ cái mới. Nên xã quyết liệt và tích cực đưa cán bộ xuống cơ sở để vận động, tuyên truyền và mạnh dạn đầu tư mua máy cấy về áp dụng thử nghiệm cho nông dân chứng kiến, sau đó các hộ mới nghe và làm theo.
Đến nay, toàn xã Nam Triều đã có 32 máy cấy, 5 máy gặt và hàng chục máy làm đất các loại. Trong đó, phần lớn các máy là do các hộ tự góp nhau để đầu tư mua, xã chỉ định hướng và góp vốn hỗ trợ (nguồn vốn của thành phố, huyện, xã rất ít) để bà con yên tâm mua dùng.
Riêng trong vụ xuân 2015 vừa qua, toàn huyện triển khai cấy máy khoảng 400 mẫu (với mức hỗ trợ 70.000 đồng/sào), năng suất đạt khoảng 238kg/sào, tăng khoảng trên 15% năng suất so với cấy thường. Theo kế hoạch, đến vụ mùa tới, toàn xã sẽ đưa máy vào cấy khoảng trên 60% diện tích (trên 500 mẫu).