Ở tuổi 94, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đang bệnh rất nặng và được điều trị tại phòng hồi sức đặc biệt của một bệnh viện ở TP HCM. Ê-kíp bác sĩ tận tình dốc sức chữa bệnh cho ông. Những ngày qua, trên mạng xã hội, khán giả bày tỏ nhiều tình cảm với Trần Văn Khê, cầu mong ông mau chóng khỏe lại để tiếp tục các kế hoạch truyền bá, lưu giữ âm nhạc dân tộc.
Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công lớn trong quảng bá âm nhạc Việt Nam - âm nhạc dân tộc các nước.
Nghiên cứu, hoạt động diễn thuyết về âm nhạc trong hơn nửa thế kỷ đòi hỏi đòi hỏi ông phải có sức khỏe rất lớn. Tuy vậy, ngay từ những năm ngoài 30, ông đã bị bệnh tật tấn công. Trong hồi ký, ông dành nhiều trang nói về giai đoạn phải nỗ lực vượt qua bệnh tật từ năm 30 tuổi. Nhiều lúc, vị giáo sư này rơi vào tình trạng "thập tử nhất sinh", nhưng ông đều tìm mọi cách vượt qua để theo đuổi công việc nghiên cứu vốn khó nhọc.
Trái:Giáo sư Trần Văn Khê tập thể dục trong bệnh viện dưỡng lao tại Pháp khi ông 32 tuổi. Phải: Giáo sư Khê mua máy ghi âm để thực hiện công việc nghiên cứu âm nhạc ngay tại bệnh viện. Ảnh tư liệu chụp năm 1953 |
Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học. Thời kỳ đầu ông định tiếp tục ngành Y, ngành học ông đang theo đuổi trong nước. Tuy vậy, do điều kiện không thuận lợi để xin học bổng, ông đăng ký học trường Chính trị Paris và luôn là sinh viên giỏi.
Năm 1951, khi Trần Văn Khê nằm trong số mười lăm sinh viên đậu đầu niên khóa trường Chính trị Pháp và được chọn làm thư ký chuyên Luật Quốc tế, ông phát hiện mình bị sưng ruột thừa, phải mổ gấp. Từ lúc này, chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật của ông bắt đầu khi bác sĩ tiếp tục phát hiện ông bị lao màng bụng.
Bệnh tật là một "cơ duyên" khiến ông gắn bó với công việc nghiên cứu
Vì sức khỏe kém, ông được chuyển vào bệnh viện Hôpital de la Cité Universitair. Tại đây, ông bị phát hiện mắc bệnh lao thận nên được chuyển sang Nhà dưỡng lao dành cho sinh viên. Nằm ở đây, sinh viên được tạo điều kiện vừa dưỡng bệnh vừa có thể tiếp tục việc học ở đại học mà không bị gián đoạn.
Giai đoạn này, do chưa biết phải điều trị trong bao lâu, Trần Văn Khê quyết định ghi tên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne."Tôi không muốn uổng phí thời gian", ông tâm sự. Đề tài ông chọn là "Âm nhạc dân tộc Việt Nam". Giáo sư cho rằng trong khi các bạn ông đang quay cuồng vì cơm áo gạo tiền ngoài cuộc sống, "nhờ bệnh", nằm trong môi trường cách ly với bên ngoài, ông có thời gian dùi mài kinh sử, đào sâu vào thế giới nhạc dân tộc, quay trở lại với nguồn cội âm nhạc mà bốn đời gia tộc ông đam mê.
Sau đó, Trần Văn Khê được chuyển về điều trị tại Trung tâm Đại học chữa bệnh cho sinh viên bị lao không truyền nhiễm (Centre Universitaire de Cure pour non contagieux) ở vùng Aire sur L'Adour, cách Paris hơn 600 km. Dù bệnh tình trầm trọng có lúc khiến ông xuống tinh thần, ông vẫn dùng ý chí, văn, thơ và lời ca tiếng nhạc làm chỗ dựa. Ông còn tích cực hoạt động trong đài truyền thanh nội bộ của bệnh viện, kể truyện vui, chuyện cổ tích, nói về âm nhạc dân tộc Việt Nam cho mọi người cùng nghe.
Tình trạng sức khỏe của ông có lần trải qua sự việc khá li kỳ. Sau mùa xuân năm 1952, bệnh tình ông ngày càng trở nặng và có thêm nhiều biến chứng, vi trùng lao tấn công, thận bị lủng lỗ lớn, ống dẫn nước tiểu bị xơ cứng. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán ông cần cắt bỏ thận bên phải để tránh lây sang thận trái.
Giáo sư Trần Văn Khê trong một lần giao lưu với các bạn trẻ TP HCM, ông nói, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là cách để bày tỏ lòng yêu nước. Ảnh: Thoại Hà |
Trước khi chờ phẫu thuật, ông xin phép bác sĩ cho ông có thời gian thư giãn. Ông cùng ba người bạn Việt Nam lái xe đi qua vùng miền duyên hải miền Tây Nam nước Pháp để thăm thú. Trên đường, cả nhóm bị xe ngược chiều lạc tay lái đâm và va vào gốc cây. Mọi người nằm bất tỉnh bên vệ đường suốt bảy giờ đồng hồ mới có người phát hiện đưa đi cấp cứu. Một thời gian sau khi làm kết quả xét nghiệm để chờ mổ thận lại thì bác sĩ rất ngạc nhiên là lỗ hổng trong thận của ông tự lành, vi khuẩn lao trong nước tiểu cũng hết. Sau một tháng sau khi bị đâm xe, sức khỏe ông gần như trở lại bình thường...
Điều kỳ lạ này càng khiến cho Trần Văn Khê thêm niềm tin vào sức mạnh và sự lạc quan của bản thân.
Tuy vậy, ở chặng đường dài sau đó, ông tiếp tục sống chung với các căn bệnh trĩ, thận, tiểu đường, lệch khớp cột sống, sạn thận... Những câu thơ Thiền, âm nhạc và ý chí luyện tập thân thể luôn là "bài thuốc" giúp ông hồi phục lại sức khỏe. Ông chia sẻ, trải qua các cơn bệnh thập tử nhất sinh, nhưng tinh thần ông luôn vững vàng vì "tin tưởng vào sức đề kháng của cơ thể cộng với quyết tâm muốn sống để còn có thể làm được nhiều chuyện".