Ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN về tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại Ninh Thuận.
Theo dõi tình hình hạn hán như hiện nay tại Ninh Thuận, ông có đánh giá ra sao về đợt hạn hán này?
Nhiều ý kiến, thậm chí chính các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hạn hán ở Ninh Thuận không hoàn toàn do trời, mà do con người chặt phá rừng, làm thủy điện tràn lan. Ông có nhận định gì về những ý kiến trên?
- Tình trạng khô cháy, nắng nóng tại Ninh Thuận mỗi năm không chỉ do trời, mà còn do chính con người. Chúng ta đã thiếu nước lại sử dụng nước quá lãng phí. Với việc sinh hoạt, canh tác và tưới tiêu lãng phí như hiện nay thì không chỉ tỉnh Ninh Thuận mà nhiều tỉnh miền Trung và cả nước cũng sẽ sớm rơi vào tình trạng báo động về hạn hán, thiếu nước. Các hồ thủy điện dù có cố gắng mấy cũng không “cứu” được trước tình hình hạn hán tại Ninh Thuận. Và nhiều tỉnh miền Trung mỗi ngày một gay gắt hiện nay khi Việt Nam nằm trong vòng xoáy của biến đổi khí hậu.
Ninh Thuận đã trải qua 2 năm hạn hán liên tục và tình hình thực tế có thể còn xấu thêm. Theo ông, nếu không có các biện pháp giải quyết, liệu tương lai Ninh Thuận có bị hoang mạc hóa, thậm chí sa mạc hóa?
- Tôi sang Israel thấy 60% diện tích đất nước của họ là sa mạc. Họ tiết kiệm từng giọt nước để tưới. Bơm gì, tưới gì họ cũng tính từng ly để không mất giọt nước nào. Mỗi công nghệ mới được đưa vào đều tiết kiệm nước tối đa. Trong khi đó, chúng ta lãng phí nước kinh khủng, không biết tiết kiệm. Ninh Thuận hay cả nước cũng vậy, lãng phí nước vô tội vạ.
Với tình trạng hạn hán ngày một nghiêm trọng ở Ninh Thuận như hiện nay, nếu không có kế hoạch đề phòng ngay từ bây giờ thì chỉ mươi năm nữa Ninh Thuận hay một số tỉnh miền Trung Việt Nam sẽ có tình trạng không khác gì Israel hiện nay, đó là đất đai bị sa mạc hóa hoàn toàn...
Vậy theo ông, để tránh kịch bản Ninh Thuận và các tỉnh miền Trung rơi vào tình trạng sa mạc hóa, nhà nước cần triển khai những giải pháp gì, nhất là các giải pháp mang tính chất lâu dài?
- Giải pháp tốt nhất cho bài toán hạn hán Ninh Thuận hiện nay là Bộ NNPTNT cần kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng thêm một số hồ thủy lợi lớn tại tỉnh này ở những địa hình thích hợp, tích nước vào mùa mưa. Hạn hán nghiêm trọng đòi hỏi chúng ta phải có công nghệ mới, tiết kiệm. Lượng mưa tại Ninh Thuận hiện thấp nhất so với cả nước, chỉ khoảng 30-55mm, nếu chúng ta có hồ tích nước thì sẽ có nước dự trữ. Mặt khác, Ninh Thuận là tỉnh miền núi, có núi sẽ có nhiều khe suối trên núi, các bộ ngành phải dựa vào lợi thế này để đầu tư hồ thủy lợi, chọn khe suối tạo ra các hồ chứa.
Chúng ta có khả năng xây dựng các hồ chứa với dung tích hàng trăm triệu m3, nếu không muốn nói là hàng tỷ m3 nước với địa thế này. Tích từng ít, năm này qua năm khác để vượt khô hạn. Các hồ thủy lợi khi hình thành sẽ không xả nước đi đâu hết mà cho chảy nhỏ giọt cho cây. Israel đã làm như vậy, chúng ta chưa thể hiện đại như họ nhưng vẫn có thể nghiên cứu công nghệ tích nước và sử dụng nước như của họ trước mắt là cho tỉnh Ninh Thuận.
Xin cảm ơn ông!