Dọc theo Quốc lộ 1, vừa chạm vào đất Ninh Thuận đã cảm nhận ngay được sự khốc liệt của nắng hạn với cánh đồng mênh mông phủ một màu bạc trắng nhức mắt và gió hầm hập hắt hơi nóng vào người. Trên cánh đồng trắng trơn không mọc nổi cọng cỏ ấy, chỉ có những đàn cừu trắng gầy giơ xương...
Cừu cạy rễ rạ
Mới 7 giờ sáng, nắng đã vội gay gắt trải khắp cánh đồng Suối Vang (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) lũ nhỏ trong làng đã cầm gậy lùa đàn gia súc cả trăm con đi ăn dạo. Mấu Văn Hợi (7 tuổi) chăn 4 con trâu, Kate Hoa (9 tuổi) chăn 8 con bò, Bá Thị Lan (8 tuổi) thì lũi đũi chạy theo bầy dê, còn Mấu Văn Liêng cầm gậy đứng canh đàn cừu 50 con. Lúa đông xuân đã gặt tự bao giờ, vụ hè thu không có nước nên đồng chỉ còn ít khoảnh ruộng trơ gốc rạ, còn lại là những cánh đồng chết trắng hoặc xám khô nứt nẻ.
Theo lời Liêng, 3 tháng gần đây, đàn cừu của Liêng đã chết hơn 10 con, chủ yếu là cừu con hoặc cừu mẹ. “Cừu mẹ mới đẻ còn yếu lắm mà đồng không còn cỏ xanh cho chúng ăn nên kiệt sức mà chết để lại tụi cừu con nhỏ xíu. Mới đầu, nhà còn có tiền mua sữa bột cho cừu con uống, sau thì cho uống nước gạo, nước đường. Vài con khỏe còn sống sót đến giờ chứ hầu hết là mẹ chết, chúng cũng chết theo…”.
Tại thôn Rã Giữa (xã Phước Trung, huyện Bác Ái), tình hình còn thê thảm hơn, chẳng còn đến gốc rạ cho gia súc ăn, đàn dê cừu lăn ra chết. Anh Sàn Cám Say vừa bị chết hàng chục con cừu cho biết, sau hơn 2 năm anh gây dựng được 135 con cừu, vậy mà đợt đại hạn quái ác này đã cướp đi của anh 40 con chỉ trong vòng vài ngày.
Ông Trần Quốc Nam – Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, vụ đông xuân vừa qua, Ninh Thuận có 501ha lúa mất trắng, 1.578ha giảm năng suất và phải ngừng sản xuất để đất trống do thiếu nước 6.100ha. Tính đến 10.6, tổng số gia súc có sừng đã chết 1.508 con, trong đó có 1.398 con dê, cừu, chủ yếu là dê, cừu non chết do thiếu sữa mẹ.
Người không dám tắm
Con đường vào xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) dài hơn 14km, xung quanh con đường các cây đã ngả màu vàng úa, đàn gia súc da và xương liêu xiêu trên cánh đồng khô nẻ, người già và trẻ em mang đang thùng, xô chờ xe nước đến.
Khoảng hơn 9 giờ, chuyến xe chở nước bắt đầu trờ đến, việc phát nước bắt đầu diễn ra. Ông Kate Du (thôn Đồng Dày, xã Phước Trung) xếp hàng từ sáng sớm, sau hơn 3 tiếng chờ đợi, ông lấy được 60 lít nước, để cho 7 người ăn uống trong 2 ngày.
“Nước này để ăn uống thôi, tắm giặt thì phải đi bộ ra suối hơn 3 cây số, đào hố chắt vài gáo mà giội thôi. Người trên tắm, người dưới hứng tắm lại, dơ lắm nên lâu lâu mới dám tắm một lần…” – ông Kate Du nói. Gia đình ông hiện còn nuôi 9 con bò nhưng không có nước uống, ông đã đầu tư gần 10 triệu đồng để khoan giếng nhưng mất tiền mà giếng cũng không có nước.
Sở hữu một vũng trũng có mạch nước ngầm ở góc đồng rộng Suối Vang, ông Kate Bang (70 tuổi) bỏ ra 2 triệu đồng khoan một cái giếng sâu. Cứ 7 giờ mỗi sáng, ông Biển bắt đầu chạy máy bơm trong vòng 1 tiếng để lấy nước sinh hoạt đồng thời hút nước lên tưới cho cái khoảnh ruộng trũng rộng chừng 1 sào trồng cỏ voi.
“Bà con trong làng, ai nghe tiếng máy bơm thì đem vài cái thùng, vượt đồng hạn, ra đây tui cho hứng nước xì (nước xì ra từ đường ống) gánh về mà không phải trả tiền…” – ông Biển nói. Trong làng nhà nào cũng có giếng nhưng đều đã khô đáy, tiền không có để mua nước, nên nhờ ông Bang xin được đôi thùng nước về dùng trong ngày. “Nước này lợ lợ nhưng cũng chỉ dùng để nấu ăn thôi, tiền đâu mà mua nước tắm…” – bà Cham Bờ Lơ Thị Thủy nói.
Ông Trần Quý Dương – Chủ tịch UBND xã Phước Trung (huyện Bác Ái) ngao ngán kể, năm 2004 – 2005 nắng hạn cũng đã diễn ra nhưng không kéo dài và khắc nghiệt như năm nay. Nắng nóng đã làm 21/2.000 con bò, 142/4.000 con dê, cừu bị chết do thiếu thức ăn. Toàn xã có 4 thôn 556 hộ, với 2.512 khẩu thiếu nước sinh hoạt.
Xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ 11 xe chuyên chở nước sinh hoạt, với hơn 90m3/ngày để phục vụ cho người dân, với phương châm không để người dân khát, người dân đói và dịch bệnh xảy ra.