Tìm kiếm một cuộc sống gia đình ổn định bằng cách làm mới bản thân, từ bỏ sở thích, phong cách để vừa “khuôn” gia đình chồng, yêu cầu của chồng thực sự là một điều thiệt thòi và nguy hiểm. Thiệt thòi bởi sống trên đời mà không là chính mình thì còn gì ý nghĩa, nguy hiểm bởi sau cuộc “tân trang” có còn thấy hạnh phúc không? Cuộc sống của mình, thì hãy tự quyết định, đừng giao cho bất cứ ai...
Cuộc sống của mình, thì hãy tự quyết định, đừng giao cho bất cứ ai...
Nhiều người vợ thay đổi thành một con người hoàn toàn khác sau khi về nhà chồng. Từ một cô gái thích chưng diện, café tán dóc bạn bè, bù khú hội hè trở thành một người nội trợ suốt tháng mặc tạp dề, ngồi xó bếp chiên cơm chiên cá, lâu lâu ra ngoài để đi chợ hay đi đón con; từ một nàng ưa xê dịch, đi đây đi đó, đeo tai phone rong ruổi trên mô tô khắp miền Nam Bắc hóa phép thành một người vợ quanh quẩn vườn nhà...
Nhiều người gọi đó là hi sinh, nhưng có lẽ thực chất nên coi đó là thiệt thòi, cay đắng.
Thiên L (quận 7) là một thành viên năng nổ của hội phượt trên facebook trải lòng về vấn đề này: Từ lúc cưới đến bây giờ đã hơn 12 năm, nhưng từ đó đến nay mình chỉ đi du lịch một lần duy nhất đó là đi hưởng tuần trăng mật. Nhiều khi cuồng chân rủ chồng đi thì anh ấy lắc đầu bảo bận và nói tỉnh queo “Em đi cả thời con gái chưa chán à?”.
Nhiều khi mình chỉ khao khát được quay về thời con độc thân, cho dù lúc đó có FA, có cô đơn, có bị ba mẹ thúc giục thì vẫn không tồi tệ như lúc này. Mình nhiều lúc không còn nhận ra bản thân mình nữa.
Cuộc sống hôn nhân đã lắm rắc rối, lại còn tù túng. Chỉ cần nhìn lũ bạn độc thân đang lang thang khắp nơi mình đã muốn khóc rồi. Tuy hai vợ chồng mình tiền bạc không thiếu, còn có thể coi là dư dả nữa, vậy mà...
Đừng bao giờ biến thành “vật” thuộc quyền sở hữu của chồng
Làm vợ là thiên chức ngang bằng với tư cách làm chồng của đàn ông. Vì vậy, không ai có quyền thay đổi ai, không ai có quyền định đoạt cuộc sống của người khác, nhất là vợ chồng. Nhưng các đấng mày râu hiện nay vẫn nhất nhất cho rằng vợ là “vật” thuộc quyền sở hữu của mình, muốn mặc gì, ăn gì, chơi gì, và ngay cả nghĩ gì đều phải được mình phê duyệt, cho phép. Thiết nghĩ, đã là gia đình thì cần sự thông cảm và chia sẻ của cả hai. Sự thay đổi cần thiết và trở nên có giá trị nếu được cả hai đồng ý và chung lòng thực hiện.
Khác với chị Thiên L., chị Minh Tr. sau 3 năm sống chung với chồng và cha mẹ chồng đã phải khăn gói ra đi chỉ vì không chịu nổi sự quản thúc mọi thứ của chồng và mẹ chồng. Chị kể cuộc hôn nhân đẫm nước mắt: Lúc mới đầu, mình thấy gia đình anh sống tình cảm, nhẹ nhàng và gia giáo nên nghĩ mình lựa chọn đúng. Nhưng rồi sau ngày cưới, mình bị kiểm soát từ cách đi đứng, ăn mặc đến cách ăn cơm. Tất cả quần áo thời con gái phải mang bỏ, thay vào đó là những áo sơ mi, đồ bộ già chát chúa. Nhiều hôm gom đồ mình còn lộn giữa đồ mẹ chồng với đồ mình nữa.
Ngày trước, cuối tuần, hai đứa được đi chơi, xem phim, café với bạn bè nhưng thói quen đó chấm dứt hẳn. Cứ tối thứ 7 là mẹ chồng mình mang quần áo ra để sẵn, mang đồ ăn từ ngăn đá ra để sẵn và trước khi đi ngủ sẽ gõ cửa phòng và nhắc khéo mình: “Sáng mai, các con cứ ngủ nướng cho đã, mẹ sẽ dậy ủi đồ và làm đồ ăn cho các con từ 5 giờ nha hai đứa”. Nghe xong chồng mình mang đồng hồ ra hẹn giờ.
Đỉnh điểm là sở thích “ngông” của mình bị tiêu diệt triệt để. Kỷ niệm ngày cưới, mình đi nhuộm tóc làm xoăn, về đến cửa mẹ và chồng lườm lườm nói cạnh khóe: “Nhìn con/em như tây ấy nhỉ?”. Ngay lập tức chồng chở mình đi nhuộm lại màu “cơ bản” ngay trong đêm đó.
Trong gia đình, việc thay đổi không đáng sợ, nhưng việc bị cấm đoán và bắt ép sống khác đi, trái với sở thích, tính cách thực sự sẽ châm ngòi cho nhiều vấn đề xảy ra. Những người đàn bà giỏi chịu đựng và chiều lòng chồng, con, cha mẹ chồng nhưng họ có quyền cá nhân riêng.
Dẫu biết rằng có rất nhiều người vợ chấp nhận thay đổi, cho dù họ đánh mất bản thân mình đi chăng nữa họ vẫn bằng lòng, nhưng thử hỏi các ông chồng rằng như thế có quá phũ phàng với người phụ nữ của mình không?