Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học University of Southern California đăng tải trên trang mạng của tạp chí Archives of General Psychiatry (Mỹ).
Trẻ sinh sống gần nơi có mật độ giao thông dày đặc, có nguy cơ mắc bệnh tử kỷ cao hơn trẻ sống ở nơi khác - Ảnh minh họa |
Các nhà khoa học đã tiến hành so sánh số liệu giữa 279 trẻ mắc tự kỷ và 245 trẻ bình thường trong cùng lứa tuổi và điều kiện sống của gia đình. Những yếu tố khác bao gồm khoảng cách từ nhà đến mặt đường, mật độ giao thông, hướng gió cũng được các nhà khoa học tính toán chi tiết. Kết quả cho thấy, trẻ sống gần khu giao thông đông đúc có nguy cơ mắc tự kỷ cao gấp 3 lần so với trẻ sống ở những khu dân cư thanh bình, yên ả. Theo nghiên cứu, trẻ trong bào thai, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Lý do các nhà khoa học đưa ra là, trong những năm đầu đời, bộ não trẻ còn non nớt nên dễ bị tác động mạnh bởi tiếng ồn và khói bụi.
Mức độ ô nhiễm giao thông trong nghiên cứu trên dựa theo mức độ tiếp xúc với nitơ dioxit (NO2) và các phân tử hóa học đen theo tiêu chuẩn của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ. Cả hai chất này đều được tìm thấy trong khói xả của xe máy và ô tô, đã tác động gián tiếp vào não trẻ trong bào thai qua người mẹ.
Người đứng đầu công trình nghiên cứu này là tiến sĩ Heather Volk (trường Keck School of Medicine, thuộc Đại học University of Southern California), cho biết: Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng, khói bụi ảnh hưởng xấu đến hô hấp và phổi. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây còn chỉ ra, ô nhiễm khói bụi có hại cho não, gây ra những rối loạn tâm thần lâu dài. Chẳng hạn, nghiên cứu gần đây từ trường King’s College London (Anh) đã chỉ ra tác hại khói thuốc lên não và phổi là tương đương nhau. Các hạt phân tử hóa học có hại thường được tìm thấy trong động cơ diesel với tên khoa học là PM10s và PM2.5s. Chúng có cấu tạo hóa học phức tạp, nguy hiểm cho sự phát triển của não bộ khi chúng ta hít vào, tiến sĩ Volk cho biết thêm.
Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm giao thông và nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở con người. Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia đã bày tỏ quan điểm khác nhau. Bà Sophia Xiang Sun, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu bệnh tự kỷ ở Đại học Cambridge (Anh), cho biết: “Rất có thể ô nhiễm giao thông là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ. Song, các yếu tố khác như ô nhiễm trong nhà, hút thuốc thụ động ở các bà mẹ trong thai kỳ và đặc biệt yếu tố di truyền cần được cân nhắc thêm”.
Emily Simonoff, giáo sư tâm thần học trẻ em và trẻ vị thành niên, trường King’s College London, cho rằng: Đây là một nghiên cứu mới về bệnh tự kỷ nên việc xác minh tính chính xác của nó là hết sức cần thiết.
Thiên Lý