Bài 1: Vật vã trong đại hạn: Đàn cừu trắng trên cánh đồng chết
Di chuyển 18.000 gia súc
Bắt đầu từ 9 giờ sáng, dọc con kênh nhỏ dẫn nước ở cánh đồng Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) xuất hiện những đàn bò, cừu hàng trăm con tụ về tìm nước uống. Những thanh, thiếu niên chăn cừu, chăn bò đến từ nhiều xã, huyện lân cận tay cầm bình nước ngồi tránh nắng dọc bờ ruộng, mắt dõi theo đàn gia súc. Đây là một kênh nhánh nhỏ hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm dẫn nước từ hồ chứa nước Đơn Dương (Lâm Đồng) sau khi chạy qua tua-bin của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, xả xuống vùng hạ lưu một số xã ở tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là nguồn nước duy nhất đang “nuôi sống” tỉnh Ninh Thuận trong thời gian này, khi mà 20 hồ chứa nước ở tỉnh này đều đã chạm mực nước chết. Hai ngày một lần, nước chỉ chảy ở ngưỡng đáy đến những con kênh nhỏ như thế này, để cứu gia súc khỏi chết khát.
Cách đó chừng 30 cây số, anh Nguyễn Văn Thắng (trú Hòa Diêm 1, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) lùa đàn bò 30 con của mình đến uống nước tại một hố nước của công trình làm đường ven biển Ninh Thuận (đoạn qua xã Phước Dinh, Thuận Nam). Anh Thắng cho biết, 4 tháng trước, sau khi phát hiện ra hồ nước này, anh đã nhanh chóng đến đây lập trại để có nước cho bò uống. “Ở đây xa nhà, đi lại khó khăn nhưng thà chở rơm đến cho bò ăn thêm, còn hơn để bò ở nhà rồi đi mua 120.000 đồng một xe nước (1,4 khối nước) cho bò uống hàng ngày. Hiện nay có nhiều chủ bò đưa bò đến đây tìm nước nên hồ nước cũng bắt đầu cạn đáy. Hai tuần nữa mà không có mưa thì chưa biết phải lùa bò đi đâu tìm nước” – anh Thắng than thở.
Tại 2 xã Nhị Hà và Phước Hà (huyện Thuận Nam), nơi có các hồ chứa, hệ thống đập CK 7, Tân Giang, Sông Biêu đã thu hút nhiều đàn gia súc “chạy đồng” đến tìm nước. Ông Bá Trung Huy (thôn Văn Lâm 4 xã Phước Nam), chủ một trang trại 300 con cừu đã nuôi 10 năm nay cho biết, hồ đã bắt đầu cạn, gia súc lại đổ về tìm nước rất nhiều trong vòng 2 tháng nay làm cho các hồ đã cạn lại cạn khô thêm. “Vừa qua tính chạy về địa bàn Ninh Phước (dọc hệ thống kênh Nha Trinh – Lâm Cấm) nhưng không thuê được đất làm chuồng mà rơm, cỏ ở đây cũng đã bị nhiều đàn khác gặm hết rồi nên đành cho cừu đi ăn dạo. Chiều thì mua cỏ tươi, mua nước về cho cừu uống. Tốn tiền lắm, nhà tôi chỉ còn cầm cự được 1 tháng nữa thôi” – ông Huy nói.
Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, đã khuyến cáo người chăn nuôi di chuyển đàn gia súc đến vùng có nước uống, ước tính phải di chuyển khoảng 18.000 con gia súc. Chủ yếu đàn gia súc được di chuyển đến vùng hưởng lợi Nha Trinh – Lâm Cấm, chuyển xuống khu vực nam huyện Ninh Phước, phía nam huyện Thuận Bắc, chảy qua một số xã thuộc huyện Ninh Sơn và cung cấp nước cho cả TP.Phan Rang. “Hiện cả tỉnh Ninh Thuận chỉ trông vào duy nhất nguồn nước đó nên người chăn nuôi chuyển đàn tới đó. Toàn bộ số hồ trên địa bàn tỉnh đều đã cạn và thực ra hệ thống thủy lợi hiện chưa phủ hết toàn tỉnh” – ông Trần Quốc Nam – Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Ninh Thuận nói.
Lên xã xin … gạo
Sáng 12.6, gần 100 người dân thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) đã kéo nhau lên trụ sở xã xin gạo cứu đói. Ông Bá Văn Cảnh – Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôn Văn Lâm 4 cho biết, người dân cùng nhau kéo lên xã sau khi xã tổ chức phát gạo cứu đói giáp hạt cho 10 hộ dân trong thôn, mỗi khẩu được nhận 30kg gạo. Cũng theo ông Cảnh, thôn có 294 hộ dân hầu hết là làm ruộng trên diện tích khoảng 50ha. Vụ đông xuân 2014, cả thôn thu hoạch chỉ huề vốn. Vụ hè thu, nhà nào gieo cấy cũng đều thất bát, thu không đủ trả tiền phân, thuốc, giống cho chủ vựa.
“Bởi lo đói, nên ai cũng ráng gieo cấy nhưng nước tưới không đủ, nhiều hộ phải thuê 15.000 đồng/tiếng chạy máy nổ hút nước giếng lên tưới lúa. Cuối vụ, thu không bù chi, giờ còn khổ hơn những hộ không gieo cấy có thời gian đi làm thuê” – ông Cảnh nói. Cũng vì vậy mà, 90% dân thôn Văn Lâm 4 hiện không có thóc lúa trong nhà, phải chạy vạy đi làm thuê kiếm ăn. “Thế nhưng, trong khi những thôn khác không gieo cấy thì được nhận gạo, còn thôn chúng tôi chăm chỉ mà không may gặp thiên tai thì lại không được hỗ trợ”– nhiều người trong thôn Văn Lâm 4 nói. Theo ông Bá Văn Cảnh thì nguyên nhân là do danh sách hỗ trợ gạo cứu đói được thống kê từ tháng 2.2015 nhưng tháng 6 mới phát gạo nên không cập nhật được tình hình mất mùa. “Thời điểm đó, Văn Lâm 4 có lúa đang trồng nhưng sau này thu hoạch không đạt nên thua lỗ. Lên danh sách tháng 2 nên người có làm lúa lúc đó không có tên trong danh sách, giờ dân thu hoạch không đạt, thua lỗ, thất bát nguy cơ đói trong 10 ngày tới thì không được hỗ trợ” – ông Cảnh nói. Còn ông Báo Nùng – Phó thôn Văn Lâm 4 thì nói: “Cấp trên đã không bám sát tình hình đời sống của người dân. Nếu cho rằng có thu hoạch là có thu nhập là sai lầm, chính xác là có thu nhập nhưng thu không đủ bù chi, thậm chí còn phải nợ chủ nậu, không đủ trả tiền thuốc, phân, giống và tiền điện bơm tưới.
Chiều 14.6, trả lời phỏng vấn NTNN, ông Trần Quốc Nam – người phát ngôn UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã nắm được tình hình phát sinh này không chỉ ở Văn Lâm 4 mà ở các địa phương đều có tình trạng phát sinh như thế. Do lên danh sách từ tháng 2 nên không cập nhật tình trạng mất mùa của người dân. Tỉnh đã thành lập tổ công tác, bắt đầu từ thứ Hai (15.6), tổ này sẽ đi kiểm tra tất cả các huyện để cập nhật và bổ sung ngay danh sách cứu đói giáp hạt cho dân. “Trước đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo, ngoài nguồn gạo cứu đói từ tỉnh (tính đến nay là 2.832 tấn chia làm 3 đợt), mỗi huyện đều có một quỹ dự phòng ứng phó với mỗi tình huống phát sinh để bảo đảm không có hộ nào đói” – ông Nam nói.