Mới đây, vụ việc một nhóm du khách phương Tây khỏa thân trên đỉnh núi thiêng của Malaysia, bị nhà chức trách tạm giam vài ngày, đã thu hút sự quan tâm của báo chí nhiều nước. Dù sự việc không diễn ra nghiêm trọng như những lo ngại ban đầu khi nhóm du khách bị đưa ra trước tòa, nhưng đó đã là lời cảnh tỉnh cho những khách du lịch “thích khỏa thân”.
Một nhóm du khách đã khỏa thân trên đỉnh núi Kinabalu của Malaysia khiến dư luận nước này vô cùng phẫn nộ.
Khi thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, người ta có thể đi khắp “năm châu bốn biển” một cách dễ dàng, vì vậy, việc “nhập gia tùy tục” lại càng trở thành câu chuyện đáng lưu tâm. Thực tế, lý do gì đã khiến du khách gần đây “thích khỏa thân” tại những địa điểm tham quan nổi tiếng thế giới? Người ta phải giải thích thế nào cho một hiện tượng quá đỗi kỳ quặc như vậy?
Trên mạng xã hội đang ngày càng xuất hiện nhiều ảnh du khách khỏa thân, họ tự chụp hình rồi đăng tải lên mạng, có người sử dụng tên thật, có người ẩn danh, nhưng tất cả đều muốn khoe khoang về trải nghiệm của mình, để gây ấn tượng với người khác.
Giờ đây, dường như việc chụp hình lưu niệm trước những danh thắng nổi tiếng là chưa đủ, với sự táo bạo của người trẻ, những người luôn có khao khát vượt qua giới hạn, việc trút bỏ quần áo để chụp hình mới là “mốt thời thượng” ở thời điểm hiện tại.
Khỏa thân ở những địa danh bị kiểm soát nghiêm ngặt bao nhiêu, chủ nhân bức ảnh sẽ càng được “ngưỡng mộ” bấy nhiêu.
Trước những thách thức tập thể gây sốt trên mạng xã hội trong thời gian qua như dội xô nước đá, uống rượu khoe tửu lượng, vòng tay sau lưng chạm nút rốn…, những người trẻ yêu du lịch đã nghĩ ra một thách thức riêng cho “giới mình”, đó là khỏa thân chụp hình trước danh thắng. Đã có những du khách phải trả giá, một chuyến đi vui vẻ bỗng trở thành thảm họa nhớ đời.
Không phải chỉ những du khách thiếu hiểu biết mới tham gia vào thách đố gây sốc này, mà cả những người “học cao hiểu rộng” như cô gái người Anh Eleanor Hawkins đang học tiến sĩ chuyên ngành hàng không vũ trụ với kết quả học tập xuất sắc cũng tham gia vào vụ khỏa thân trên núi thiêng vừa qua.
Và cũng không phải chỉ chính quyền cùng người dân ở những nước phương Đông như Campuchia, Malaysia, Thái Lan… mới phản đối dữ dội trào lưu này, thực tế, tất cả các nhà quản lý du lịch ở khắp nơi trên thế giới đều không ủng hộ hành động này.
Một du khách khỏa thân trước khối sa thạch Uluru nổi tiếng của nước Úc. Đây là một địa danh linh thiêng đối với nhiều cộng đồng thổ dân ở Úc.
Một du khách táo tợn khỏa thân trước Nhà hát Opera Sydney của Úc.
Khỏa thân nhìn ngắm thành phố Dubrovnik và biển Adriatic của đất nước Croatia (một quốc gia Châu Âu).
Tháng 2 vừa qua, hai chị em người Mỹ đã bị bắt ở đền Preah Khan, thuộc quần thể đền Angkor, Campuchia. Nhân viên bảo vệ đã bắt gặp họ đang chụp ảnh khỏa thân cho nhau trong đền. Lindsey Adams (22 tuổi) và Leslie Adams (20 tuổi) đến từ bang Arizona, Mỹ đã bị phạt 6 tháng tù treo, nộp phạt số tiền tương đương 5,5 triệu đồng, bị trục xuất khẩn cấp và bị cấm nhập cảnh vào Campuchia trong 4 năm.
Lindsey Adams (22 tuổi) và em gái Leslie Adams (20 tuổi) đã bị tạm giữ vì chụp ảnh khỏa thân trong quần thể đền Angkor của Campuchia.
Hồi tháng 1 năm nay, ba người đàn ông Pháp ngoài 20 tuổi cũng đã bị trục xuất sau khi bị bắt gặp đang chụp ảnh khỏa thân cho nhau ở đền Banteay Kdei thuộc quần thể đền Angkor. Rồi chuyện 3 du khách khỏa thân lái xe môtô ở ngoại ô Phnom Penh hồi đầu năm…
Những sự việc lùm xùm này đã khiến Campuchia vừa phải cho ra một cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch, trong đó có đề cập tới những quy tắc ứng xử dành cho du khách, đặc biệt, nghiêm cấm du khách khỏa thân nơi công cộng. Ngoài ra, tại các địa điểm du lịch, người ta còn lắp thêm biển nhắc nhở du khách hành xử lịch sự.
Thái Lan, đất nước vốn cởi mở với những xu hướng du lịch mới, cũng rất “dị ứng” với trào lưu khỏa thân chụp ảnh. Lần này không phải một du khách phương Tây mà là một nữ du khách trẻ người Hồng Kông đã khỏa thân nhảy “bungee” ở Chang Mai hồi tháng 5 vừa qua khiến công ty du lịch bán “tour” cho cô bị nhận phạt.
Nữ du khách đến từ Hồng Kông đã khỏa thân nhảy “bungee” ở Chang Mai, Thái Lan gây xôn xao mạng xã hội nước này.
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc bị coi là địa danh du lịch nổi tiếng thế giới dễ dàng khỏa thân chụp ảnh nhất.
Thường đối với những phi vụ như thế này, cảnh sát sẽ “phạt nguội”, như trong trường hợp du khách khỏa thân trên núi thiêng hay nữ du khách khỏa thân nhảy “bungee”, video và ảnh của họ đã lan truyền trên mạng trước, sau đó cảnh sát mới tiến hành nhận dạng và xử phạt.
Tại khu tàn tích Machu Picchu của Peru (một đất nước thuộc Nam Mỹ), nhà chức trách cũng đang siết chặt quản lý sau khi xuất hiện nhiều ảnh và video trên mạng cho thấy nhiều du khách nước ngoài đã “khỏa thân thành công” tại điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử này. Đã có 8 du khách bị bắt giữ ở Machu Picchu, tính tới thời điểm này, vì khỏa thân chụp ảnh.
Một cặp đôi khỏa thân chạy băng qua đồng cỏ ở khu tàn tích Machu Picchu, Peru hồi năm 2014.
Có nhiều ảnh và video xuất hiện trên mạng cho thấy đã có những du khách khỏa thân trót lọt ở khu tàn tích Machu Picchu.
Cánh đồng muối của Bolivia (một đất nước Nam Mỹ) cũng bị biến thành bối cảnh cho du khách khỏa thân.
Một du khách khỏa thân trước tượng Chúa Cứu thế ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil.
Lý giải cho trào lưu khỏa thân chụp ảnh này, bà Sandi Mann, giáo sư chuyên ngành tâm lý học ở trường Đại học Central Lancashire (Anh) cho rằng: “Thách thức này hướng vào việc khiến người đi du lịch có cảm giác mạnh. Chỉ riêng việc xuất hiện khỏa thân trước một địa danh nổi tiếng thế giới đã khiến tâm lý chúng ta bị kích động, cộng thêm việc có thể sẽ bị bắt giữ và gặp rắc rối khiến một khi du khách thực hiện hành động trót lọt, họ sẽ cảm thấy chẳng khác nào vừa chơi trò chơi mạo hiểm, gây cảm giác mạnh”.
Bà Sandi Mann cho rằng việc nhiều du khách mạo hiểm khỏa thân để khoe khoang về sự táo tợn của mình chỉ khiến họ quên mất rằng mục tiêu hàng đầu của du lịch là chiêm ngưỡng thắng cảnh, trải nghiệm văn hóa.
Các chuyên gia cho rằng những người trẻ yêu du lịch đang muốn chứng tỏ bản thân, cố tỏ ra theo kịp các trào lưu trên mạng xã hội.
Đối với bản thân những người từng khỏa thân chụp ảnh, họ nghĩ gì? Một người đàn ông có tên Paul Marshall đã từng thực hiện những bức ảnh khỏa thân đăng tải trên mạng xã hội chia sẻ rằng: “Có nhiều lý do khiến du khách làm vậy. Có người làm để thử cảm giác mạo hiểm. Có người làm để cảm thấy hài hước, vui nhộn. Với cá nhân tôi, tôi làm vậy bởi càng lúc càng thấy ngán những phong cách tự sướng nhàm chán ngập tràn trên mạng, tôi muốn làm gì đó hoàn toàn ngược lại, khi làm vậy, không bao giờ tôi có ý xúc phạm văn hóa hay người dân bản địa”.
Một du khách người Israel có tên Amichay Rab vốn cũng “khét tiếng” trong việc chia sẻ ảnh khỏa thân khi đi du lịch ở Trung và Nam Mỹ chia sẻ “tếu táo” rằng: “Có một số điểm đến quá nóng và tôi phải làm gì đó để giải nhiệt… Khi chia sẻ những bức ảnh khỏa thân của mình, tôi muốn thể hiện một ý tưởng thật độc đáo để gây ấn tượng với bạn bè, người thân. Mọi chuyện bắt đầu như một trò đùa và rồi trở thành một thách thức trong suốt hành trình du lịch của tôi”.
Một tài khoản “ẩn danh, giấu mặt” trên mạng xã hội có tên Naked Handstander (Khỏa thân trồng cây chuối) đã đăng tải nhiều ảnh gây sốc từ năm 2009, chủ nhân đứng sau tài khoản này đã chia sẻ rằng: “Ngày nay, con người có khả năng tập trung rất kém, họ không thể chú tâm vào một việc gì quá lâu bởi có đủ thứ xung quanh chi phối. Vì vậy, nếu tôi muốn thu hút sự chú ý của mọi người, tôi phải làm điều gì đó gây sốc”.
Bất kể lý do được đưa ra là gì, việc khỏa thân tại các danh thắng sẽ không bao giờ được nhìn nhận là một hành động văn minh, đẹp mắt, và chắc chắn sẽ còn khiến những du khách mạo hiểm thực hiện phải đối diện nguy cơ đứng trước vành móng ngựa, bị tạm giam, bị trục xuất, bị cấm nhập cảnh…