Tại SEA Games 28, đoàn TTVN đã thi đấu ấn tượng ở nhiều môn và vượt xa chỉ tiêu 56-65 HCV đã đặt ra. Ông đánh giá thế nào về thành tích này?
- Trước khi đoàn TTVN tham dự SEA Games 28, chúng tôi đã rà soát kỹ lưỡng và tính toán cụ thể năng lực của từng đội thể thao. Trong số này, có những đội được đặt niềm tin sẽ giành nhiều HCV như điền kinh, bơi lội, thể dục, đấu kiếm... Từ đó, chúng tôi đã bàn bạc nghiêm túc để đưa ra chỉ tiêu giành 56-65 HCV.
Tuy nhiên, tại đại hội lần này, các vận động viên (VĐV) của ta đã thi đấu rất xuất sắc, lập được những thành tích vô cùng ấn tượng. Sự chuẩn bị tốt và nỗ lực khi tranh tài đã giúp đoàn TTVN vượt chỉ tiêu đề ra. Tôi không nghĩ chỉ tiêu thấp nên đoàn TTVN mới có được thành tích này mà điều đó xuất phát từ quyết tâm của mỗi thành viên trong đoàn tại Singapore trong những ngày vừa qua. Đặc biệt, tôi có thể tự tin khẳng định: Chúng ta có thể ngẩng cao đầu và tự hào về việc các môn thể thao Olympic đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu tại SEA Games 28.
Với 8 HCV và phá 8 kỷ lục SEA Games, VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên đã trở thành VĐV xuất sắc nhất của đoàn TTVN. Ông có bất ngờ?
- Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi Ánh Viên đã chứng tỏ được năng lực siêu hạng của mình. Bảo bất ngờ thì chắc chắn là không bởi Ánh Viên không chỉ có tiềm năng mà đã được đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. Đẳng cấp của Ánh Viên ở tầm cỡ châu lục, thế giới chứ không nằm ở trình độ khu vực. Vậy nên Ánh Viên giành nhiều HCV cũng đã nằm trong kế hoạch của chúng tôi.
Sau SEA Games, Ánh Viên sẽ chuẩn bị cho giải vô địch thế giới tổ chức tại Nga vào tháng 8 và đây mới là thử thách thực sự dành cho kình ngư này. Thành tích lớn của Ánh Viên cũng đã được ghi nhận và đây là vinh dự không chỉ cho cá nhân VĐV này mà của toàn ngành TTVN. Chính Ánh Viên đã thông báo đã được tặng 1 căn hộ và tôi được biết VĐV này có thể được tặng một căn hộ nữa. Nếu được như thế thì tôi thấy đó cũng là xứng đáng với những chiến công mà Ánh Viên lập nên.
Ông đã nhấn mạnh chúng ta hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu ở các môn Olympic. Vậy trong tương lai, TTVN sẽ có hướng đi thế nào để tăng khả năng tranh chấp huy chương ở những đấu trường lớn hơn?
- Chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu rất kỹ thành tích ở các môn thể thao Olympic để có kế hoạch đầu tư và phát triển hợp lý, hiệu quả nhất. Trước SEA Games 28, có 48 VĐV đã được ngành thể thao đầu tư trọng điểm, chuyên biệt, hướng tới mục tiêu Olympic. Lồng ghép trong kế hoạch này, họ được thi đấu SEA Games 28 như một chuyến cọ xát, tích luỹ thêm kinh nghiệm.
Với thành công ở SEA Games 28, ngành TTVN sẽ tiếp tục đầu tư trọng điểm cho khoảng 50 VĐV với sự quan tâm đặc biệt để cạnh tranh huy chương ở ASIAD hoặc Olympic. Việc đầu tư mạnh mẽ cho các môn thể thao Olympic là đúng đắn, trong đó ngành TTVN sẽ chú trọng đến 5 môn là điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bắn súng và cử tạ.
Dù vậy, ở SEA Games 28, cũng có VĐV được đầu tư bài bản lại không có thành tích tốt như VĐV chỉ tập ở nhà. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
- Tôi lấy ví dụ cụ thể giữa hai VĐV Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền ở môn điền kinh. Lan được tập huấn tại Mỹ, mọi thông số về cơ thể và thành tích tập luyện được theo dõi sát sao và đạt yêu cầu. Trong khi đó, Huyền chỉ tập ở nhà, nhưng khi thi đấu tại SEA Games 28 đã giành HCV.
Nhưng tôi muốn khẳng định rằng, tầm nhìn và kỳ vọng mà chúng tôi dành cho Lan là ASIAD chứ không phải SEA Games. Vì thế, việc Lan không giành HCV cá nhân tại đại hội lần này không phải cú sốc hay có vấn đề nào đó. Lan còn trẻ và có thể phát triển hơn nữa. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, TTVN sẽ đầu tư chuyên biệt để có thật nhiều VĐV giỏi ở các môn Olympic bởi có như thế, chúng ta mới có được những ngôi sao như Nguyễn Thị Ánh Viên.
Xin cảm ơn ông!