Dân Việt

10 cuốn sách hay kinh điển đọc rồi cứ muốn đọc lại mãi

Minh Khánh (lược dịch) 17/06/2015 08:32 GMT+7
Sách luôn là món quà tuyệt vời dành cho mỗi chúng ta, tờ Huffington Post vừa đưa ra danh sách 10 cuốn sách hay mà nhiều người đọc rồi muốn đọc lại, là những cuốn sách gối đầu giường không thể bỏ qua.
img
Cuốn tiểu thuyết vĩ đại “The Great Gatsby” của nhà văn F.Scott Fitzgerald. Tác phẩm văn chương này luôn được xem là cuốn tiểu thuyết “phải đọc” với dân nghiền sách trên toàn thế giới, được xếp hạng là một trong những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20. Tạp chí Time nổi tiếng cũng từng vinh danh “The Great Gatsby” là một trong 10 tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại. Những thăng trầm trong cuộc đời của Gatsby cũng là minh chứng rõ cho tính phù du, tạm bợ, đầy bất trắc của kiếp người. Tác phẩm đưa người đọc trở về nước Mỹ phồn hoa những năm 1920 với bao phù phiếm và ảo mộng.
img

Cuốn “Summer Sisters” của Judy Blume. Cuốn tiểu thuyết tập trung vào cuộc đời của hai nhân vật hư cấu, cô gái Victoria Leonard (Vix) và Caitlin Somers. Là một tác phẩm văn học đề cập đến vấn đề tình dục khá sâu, bao gồm cả vấn đề đồng tính nữ. Hai nhân vật trong truyện là hai con người có tính cách hoàn toàn đối lập nhau, nhưng dần dần họ trở nên gắn bó với nhau hơn sau mỗi kỳ nghỉ hè.

img

Cuốn sách của Calvin Trillin có cái tên rất giản dị “About Alice”. Tác phẩm là một hồi ký về bà Alice Trillin, người vợ đã qua đời của nhà văn Calvin Trillin. Những dòng văn thấm đẫm tình cảm của tác giả có thể khiến trái tim người đọc rung động theo từng nhịp. Cái chết của Alice xảy ra chỉ một ngày sau thảm họa 11/9 tại Mỹ đã gây nên cảm giác mất mát và đau thương quá lớn với Calvin.

img

Tác phẩm “Valley of the Dolls” (Thung lũng búp bê) của tác giả Jacqueline Susann. Ngay từ khi mới ra mắt độc giả, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn, hơn 30 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới. Đây là một trong những tiểu thuyết gây tiếng vang trên vǎn đàn thế giới. Búp bê ở đây là cách gọi âu yếm những viên thuốc ngủ của những người phụ nữ sầu muộn về tình yêu như Anne, hoặc về danh lợi như Neely.

img
“A Death in the Family” là một cuốn tự truyện của tác giả James Agee. Ông bắt đầu viết nó vào năm 1948, nhưng không kịp hoàn thành trước khi ông qua đời vào năm 1955. Tác phẩm đã được chỉnh sửa và phát hành sau khi ông mất vào năm 1957 bởi biên tập viên David McDowell. Tác phẩm đã giành được giải thưởng Pulitzer vào năm 1958 cho hạng mục tiểu thuyết. Cuốn sách hay cũng được Time bình chọn là một trong 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất.
img

Cuốn “The Perks of Being a Wallflower” của Steven Chbosky. Tác phẩm gợi lại những kỷ niệm ngọt ngào của những ngày đã qua, để lại dư vị là một niềm hy vọng ở tương lai, sự phấn chấn cần có của những người trẻ để tiếp tục chuyến hành trình rực rỡ vào thế giới của sự trưởng thành. Cuốn sách kể về nhân vật Charlie, là một câu chuyện đẹp đến nao lòng khiến người đọc càng đọc càng say.

img

“A Separate Peace” (1959) là một cuốn tiểu thuyết của John Knowles. Tác phẩm viết về bối cảnh Chiến tranh Thế giới II, đi sâu khám phá các chủ đề đạo đức, lòng yêu nước… qua lời kể của nhân vật Gene. Cuốn sách gây ra nhiều tranh cãi, một số văn sĩ khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết ngụ ý câu chuyện đồng tính luyến ái giữa Gene và Finn, trong khi những người ủng hộ say sưa đọc tiểu thuyết và chìm đắm trong đó.

img

Cuốn “Invisible Man” của Ralph Ellison. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1952, và nhanh chóng được xem như một tuyệt tác văn học Mỹ thế kỷ 20. Cuốn tiểu thuyết đã lột trần những ảnh hưởng của cái nhìn phân biệt chủng tộc hằn sâu lên cách sống, cách suy nghĩ của cả nạn nhân lẫn thủ phạm. Đây là tựa sách bán chạy nhất và còn mang tầm vóc, là một tiểu thuyết mang nghệ thuật tính, hiện đại, được viết bởi một nhà văn da đen.

img
“One Hundred Years Of Solitude” (Trăm năm cô đơn) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez. Tác phẩm đã chuyển dịch qua hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới, được tặng giải Chianchiano của Ý, được Pháp công nhận là cuốn sách hay nhất trong năm và được giới phê bình văn học Mỹ đánh giá là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong thập niên 1960. Đây được coi là một kiệt tác của Gabriel Garcia Marquez. Tác phẩm phản ánh một cách độc đáo cuộc sống mọi mặt của các dân tộc ở Mỹ Latinh, kể cả những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của họ. Tình yêu mới là cái cần thiết để thoát khỏi cảnh cô đơn. Truyện có thông điệp kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất của mình, vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân để hòa đồng với gia đình, với xã hội.
img

Tiểu thuyết của Zadie Smith, “On Beauty”. Tác phẩm văn học này nhận được khen chê lẫn lộn từ giới phê bình. Tác phẩm tập trung vào câu chuyện của hai gia đình khác nhau về chủng tộc, nhưng họ ngày càng gắn bó với nhau bởi tình yêu bất ngờ của hai người con. “On Beauty” từng được đề cử giải Booker; giải Decibel và đoạt giải thưởng Eurasia của khối Thịnh Vượng Chung dành cho tác phẩm xuất sắc.