1. Một số tờ báo văn hóa đưa tin La Hune, cửa hàng sách biểu tượng của Paris (Pháp), từng là điểm đến quen thuộc của các trí thức như nhà văn Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, nhà thiết kế Coco Chanel... trong hơn 60 năm, vừa phải đóng cửa sau một thời gian dài vật lộn để tồn tại.
“Chúng tôi đã đóng cửa. Đóng cửa vĩnh viễn” – đây là câu trả lời được đưa ra khi nhiều du khách và người dân tới để thăm viếng lần cuối một trong những cửa hàng sách được yêu thích nhất thủ đô nước Pháp.
Giữa xứ sở của những người ham đọc sách, đấy rõ ràng là tin buồn. Tôi chợt nghĩ, chuyện này, nếu có ở Việt Nam, liệu mấy ai quan tâm. Năm ngoái, trong khuôn khổ ngày sách quốc gia, người ta đã từng công bố bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách. Trong khi đó, cách đây 10 năm, một người dân Malaysia đọc bình quân 2 cuốn sách/năm và con số này tăng đều hằng năm. Tại các nước châu Âu, con số này còn lớn hơn rất nhiều.
Lý do rất rõ ràng, chúng ta chưa xây dựng được một nền văn hóa đọc đúng nghĩa. Ngay các em học sinh, những người có và cần dành nhiều thời gian đọc sách cũng khó khăn để đến với sách. Các em phải chịu một chương trình học nặng nề từ tiểu học rồi trung học. Ngoài học ở trường còn phải dành thì giờ đi học thêm, học hè, về đến nhà buổi tối phải làm bài tập. Nhìn thấy sách vở là nhìn thấy áp lực, chẳng còn đâu niềm ham thích. Chưa kể nhiều em ở nông thôn phải giúp cha mẹ đủ thứ công việc mưu sinh.
Những phương tiện giải trí hấp dẫn như trò chơi điện tử, truyền hình, mạng xã hội…cũng khiến mọi người lười đọc sách. Điều này khác các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, giữa cuộc sống hiện đại, sách vẫn có một vị trí không thể thay thế bởi họ có thói quen, nền tảng văn hóa đọc vững chắc, còn ở ta thì chưa.
2. Một thông tin mạng xã hội Facebook mới công bố hôm qua, 30 triệu người Việt lướt Facebook mỗi tháng và trung bình dùng 2,5 giờ mỗi ngày. Trong số đó, những người ở độ tuổi 18-34 chiếm 3/4. Nếu tính lại, nếu người ta chỉ dành một phần nhỏ của thời gian lướt Facebook đó, một lượng sách khổng lồ đã được sống với đúng thiên chức của nó hơn là phải vứt xó hay bán cân.
Một con số khác cũ hơn, mỗi năm một người đọc chưa đến 1 cuốn sách nhưng cả nước chi đến 3 tỉ USD tiền mua bia, chưa tính rượu. Tiêu thụ 3 tỷ lít bia đồng nghĩa người Việt phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD, bằng gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu.
Liệu có ai phản đối khi nói ham rượu bia, thích chém gió, lười đọc sách là "đặc sản" của dân ta?
Đáng tiếc, thói quen đọc sách của mỗi người thường phải được hình thành từ khi còn nhỏ, từ nhà trường, từ sự dạy dỗ của thầy cô, gia đình. Điều đó còn cần nhiều thời gian, nên có lẽ cái “đặc sản” lười đọc kia sẽ còn tồn tại dài dài...