Con ngồi vào cả nồi canh
Bé Nguyễn H. Th. trú tại Hưng Yên, Hà Nội đến cấp cứu tại Khoa Bỏng trong tình trạng bỏng nặng vùng chân và khu vực bộ phận sinh dục. Theo mẹ của bé, gia đình chuẩn bị vào bữa cơm chiều. Mẹ nấu được nồi canh để cạnh bàn chờ nguội. Bé Th. đang chập chững biết đi. Mẹ của bé để con cho chị lớn trông rồi đi tắm.
Vừa vào nhà vệ sinh, thấy bé khóc thét mẹ em chạy ra thấy con ngồi trọn trong nồi canh nóng vừa đưa ra. Bé bị bỏng nặng phần âm hộ và vùng da dưới.
Còn bé Trương Minh A. trú tại Hà Nội băng bó khắp cánh tay phải vì bé vô tình ngã chống tay vào bát canh nóng mẹ vừa nấu để đó. Mẹ của bé Minh A. cho biết nấu canh để ở bàn chưa kịp đậy lồng bàn thì bé leo từ ghế lên và ngã vào bát canh. Ngay sau đó, bé được đưa vào cấp cứu ở khoa Bỏng của Bệnh viện Xanh Pon. Nhìn con gái 2 tuổi nhăn nhó vì đau, mẹ của Minh A. như muốn khóc "hôm nay cháu đỡ hơn rồi, vài ngày trước mỗi lần thay băng con khóc, mẹ khóc".
Bé Vũ Tiến B. trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị bỏng ở phần đầu và gáy vì bát cháo. Theo mẹ của bé B. trong lúc bất cẩn chị bưng bát cháo nóng, con đứng dưới kéo tay mẹ rồi bát cháo nóng vừa đổ từ xoong ra dội vào đầu của bé B. Toàn bộ vùng da đầu phía sau bị bỏng nặng. Bé nhập viện đã 10 ngày nhưng tình hình vẫn còn phải chờ theo dõi.
Còn bé Nguyễn Gia B. trú tại Đống Đa, Hà Nội bị bỏng bên chân do bé tập đi đu vào bàn. Trên bàn mẹ bé đang nấu ấm điện. Ấm nước đổ xuống dội thẳng vào chân của bé. May mắn cho bé ấm nước sôi đã ngắt điện được vài phút nên nhiệt độ đã giảm. Dù bỏng ở diện tích rộng nhưng vùng bỏng không quá sâu nên bé không phải phẫu thuật ghép da.
Tai nạn bỏng gia tăng về mùa hè
Thạc sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, từ đầu mùa hè đến nay khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bỏng hơn và chủ yếu là trẻ nhỏ. Theo bác sĩ Thống, tai nạn bỏng ở bé đặc biệt gia tăng về mùa hè luôn chiếm 40-60% bệnh nhân điều trị tại khoa lúc này.
Nguyên nhân chủ yếu do các bé mải chơi, cha mẹ bận bịu nên thường để bé tự chơi, dẫn đến bị bỏng điện, nước sôi. Đặc biệt ở những gia đình ngoại tỉnh di cư lên thành phố sống trong những khu nhà thuê trọ đường điện, bếp nấu tạm bợ... Ngoài ra, cũng có bé bị bỏng là do được gia đình cho đi ăn hàng, chỉ một phút sơ sểnh người lớn không để ý là bé có thể thò tay vào nồi lẩu, bát canh nóng.
Cũng theo bác sĩ Thống, hầu hết tai nạn bỏng ở bé, nhất là bé 1-1,5 tuổi là do sự bất cẩn của người lớn. Ở độ tuổi này bé chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh, mọi thứ với các bé đều là đồ chơi được, lại tò mò hay bắt chước nên tai nạn rình rập các bé mọi nơi, mọi lúc. Còn ở những trẻ lớn hơn chút chủ yếu là bỏng do điện như bé tự cắm phích điện. Ở vùng nông thôn trẻ hay bị điện dật vì thả diều, bắt chim, trèo cột điện. Tất cả các loại bỏng với trẻ em đều nguy hiểm vì sức đề kháng của trẻ còn kém.
Khi bị bỏng cha mẹ thường không sơ cứu đúng cách dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến khi nhập viện bác sĩ khó chẩn đoán độ nông sâu của vết bỏng. Bác sĩ Thống khuyến cáo khi bị bỏng cần tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng, sau đó làm lạnh bằng nước sạch. Không nên cố cởi quần áo hoặc lột mạnh vải bám vào vết bỏng có thể khiến vết bỏng trầy loét. Sau đó băng ép, chuyển trẻ đến cơ sở y tế. Những cách làm truyền thống như bôi kem đánh răng, nước mắm, thuốc lá không có tác dụng.
Bé có thể tử vong do mất nước, mất điện giải, shock bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu, suy giảm miễn dịch... Thời gian điều trị bỏng kéo dài 2-3 tuần hoặc dài hơn tùy thuộc vào diện bỏng và mức độ bỏng. Nếu vượt qua giai đoạn dễ tử vong nhất (sau 5-15 ngày) thì bé vẫn phải được theo dõi trong 2 năm sau đó đề phòng các di chứng.