Dân Việt

Vì sao chèo được quan tâm ở Harvard, Mỹ?

17/06/2015 10:46 GMT+7
Giới thiệu chèo với du khách nước ngoài là chuyện đã thường, nay Nhà hát chèo Việt Nam có hẳn chuyến lưu diễn Mỹ nửa tháng, đến những nơi danh giá như ĐH Harvard, MIT (Mỹ). Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan sau chuyến đi khẳng định tự tin nâng tầm nghệ thuật chèo.

Không ít người ngạc nhiên khi biết chèo đến Mỹ biểu diễn, lại vào được những nơi danh giá như ĐH Harvard, MIT?

- Đúng là không ít người thắc mắc làm sao chèo có thể vào được những chỗ như thế. Đơn vị tổ chức là Diễn đàn toàn cầu Boston rất hiểu biết văn hóa Việt Nam. Ngoài biểu diễn thành các nhóm nhỏ tại ĐH Harvard, chúng tôi đến được với các học giả quan tâm văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa Việt Nam. Trong số người nổi tiếng có cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Michael Dukakis, hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston.

img
Chiếu chèo trên đất Mỹ, Ảnh: Nhà hát Chèo.

Chủ đề chúng tôi mang đến là chèo với hòa bình và nhân ái. Qua tích diễn Quan Âm Thị Kính, nói chuyện về nghệ thuật chèo, những học giả này đánh giá rất cao đất nước, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi gặp các nhạc sỹ như bà Swanee Hunt, Đại sứ Mỹ tại Bỉ, cũng là người sáng tác nhạc. Giáo sư, nhạc sỹ Larry Bell của Nhạc viện New England Conservatory đặt vấn đề muốn được thử nghiệm đưa chèo vào tác phẩm của ông.

Chúng tôi đến Harvard biểu diễn và trao đổi với các học giả đầu ngành, cả ĐH MIT ở bang Massachusetts - tập trung giới trí thức. Qua đó tôi thấy nghệ thuật chèo hoàn toàn có thể đến được những nơi sang trọng nhất. Chúng ta có thể ngẩng cao đầu, mình có nhiều thứ đáng quý giới thiệu với bạn bè thế giới.

Dù chèo được xem là mang tính thuần Việt nhất, nhưng nhiều người vẫn hình dung chèo không dễ thu hút như hầu đồng hay múa rối nước chẳng hạn?

- Ngoài giới thiệu câu chuyện Quan Âm Thị Kính, Xúy Vân, với đoàn gồm 10 nghệ sỹ, chúng tôi cũng giới thiệu giá đồng liên quan hát văn, bản thân tôi cũng hát xẩm. Đến Mỹ giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt, chúng tôi chọn mặt gửi vàng, họ đều là nghệ sỹ đa năng, đa tài. Đây là lần thứ hai đến Mỹ, tôi cũng có tìm hiểu văn hóa, con người và hiểu được tại sao người ta gọi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Họ rất hòa đồng, cởi mở đón nhận. Dù nước lớn hay nước nhỏ nếu con người biết lắng nghe nhau thì lúc nào cũng có thể có sự đồng cảm, chia sẻ.

Khán giả, học giả thuộc tầng lớp thượng lưu ấy họ quan tâm tới điều gì khi xem chèo?

Họ hỏi khá nhiều như gìn giữ nghệ thuật chèo bằng phương pháp nào, các câu hát có từ bao giờ, cách nghệ sỹ truyền dạy ra sao. Tôi chia sẻ nghệ thuật chèo có từ thế kỷ 10, với trên dưới 200 làn điệu, rồi nói về âm nhạc chèo, cách chúng ta lưu truyền hàng trăm năm nay. Qua câu chuyện Quan Âm Thị Kính, chúng tôi giới thiệu nữ chín, nữ lệch, hình ảnh người phụ nữ tải đạo, tính nhân văn trong vở diễn. Văn hóa Việt Nam, nghệ thuật chèo có cái để cho họ quan tâm, họ hỏi khá nhiều. Bà Swanee Hunt cũng nói rằng, dù Việt Nam trải qua chiến tranh và còn nhiều hậu quả cần giải quyết nhưng khi bà đến Việt Nam thì người dân, nghệ sỹ mở lòng bao dung, cho nên bà càng thán phục.

Chèo và những loại hình nghệ thuật truyền thống khác dù được quan tâm nhưng chưa hết khó khăn, sau chuyến đi này chị hẳn có thêm niềm tin?

- Không phải sau chuyến đi này mới tin đâu, 36 năm nay lúc nào tôi cũng yêu chèo, vững tin. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, có tìm hiểu văn hóa của nhiều vùng đất. Mỗi đất nước có niềm tự hào riêng, nền nghệ thuật đặc trưng mà họ gìn giữ và tôn vinh. Tôi đủ kiến thức và tự tin để nhận diện, văn hóa Việt Nam trong đó có nghệ thuật chèo phải được gìn giữ. Đâu đó trong thời hội nhập, có nhiều nền văn hóa giao thoa nhau, nhưng tìm khắp thế giới không đâu có chèo. Chúng ta phải lấy làm tự hào, đáng để giữ gìn chứ. Tương lai chúng tôi có dự định đến Mỹ làm chương trình chèo quy mô, đầy đủ hơn.

Cảm ơn chị.