Hiến máu lần đầu khi sinh con chưa đầy 2 tháng Tại buổi lễ "Tôn vinh 100 đại biểu hiến máu tiêu biểu toàn quốc", câu chuyện của bà Ngô Thị Cẩm Xuân (51 tuổi, TP HCM) - người phụ nữ có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất (62 lần) - đã khiến nhiều người xúc động. Đằng sau việc làm nghĩa cử này là câu chuyện về một đứa con luôn mang trong mình nỗi đau, sự tiếc nuối về cái chết của mẹ.
Nhớ lại lý do khiến mình gắn bó với hoạt động tình nguyện này, bà Xuân tâm sự: “Năm 1978, trong khi sinh hai em, mẹ tôi bị băng huyết. Do không có máu để truyền nên các bác sĩ chỉ kịp cứu 2 đứa nhỏ. Phải chi hồi đó có nhiều người làm tình nguyện như bây giờ mẹ tôi đã không ra đi như vậy".
Trải qua nỗi đau mất đi người thân yêu nhất, vì vậy, bà Xuân luôn trân trọng những giọt máu tưởng chừng như không thể san sẻ. Người phụ nữ này từng ngồi khóc khi xem phóng sự về các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ mắc bệnh về máu. "Làm thế nào để cứu sống những người có chung hoàn cảnh như mẹ mình?" - đó là câu hỏi luôn khiến bà Xuân trăn trở.
Vào năm 1994, khi nghe được chương trình phát thanh kêu gọi hiến máu tình nguyện, dù mới sinh con chưa đầy hai tháng, người phụ nữ này vẫn quyết tâm đi đăng ký.
“Lúc đó, sợ người ta không cho hiến máu, tôi phải nói dối hai đứa con là cháu mình”, bà Xuân chia sẻ. Kể từ lần đầu tiên ấy, đến nay, sau 3-4 tháng bà lại hiến máu một lần.
Đặc biệt, người phụ nữ này luôn cho đi số lượng máu cao nhất (450 ml). Mỗi lần tham gia vào công tác đặc biệt này, bà Xuân lại nhớ đến mẹ - người đã cho mình động lực vượt qua mọi khó khăn để luôn sẵn sàng hiến máu cứu người.
Sau hơn 20 năm tham gia hoạt động này, bà Xuân tự tin chia sẻ: "Việc hiến máu nhiều lần không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Để chất lượng máu đảm bảo, tôi luôn có ý thức ăn uống đủ chất, hạn chế dầu mỡ".
Thế nhưng đằng sau vẻ rắn rỏi, ít ai biết được hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ này. “Trước đây, nhà tôi ở Hậu Giang, vì vậy mỗi lần đi hiến máu phải lên tận TP HCM.
Thời điểm đó, ban tổ chức đưa cho tôi phong bì 30.000 đồng và 11 hộp sữa. Số tiền ấy không đủ để tôi đi xe ôm về quê, nhiều khi phải vay nợ và chờ bán sữa để trả nốt phần còn lại. Không có tiền, tôi dậy sớm đi bộ 3-4 tiếng đến điểm hiến máu. Dù mệt mỏi, nhưng tôi vẫn kiên trì cho máu. Bởi tôi tin rằng rất nhiều người đang cần đến chúng”, bà Xuân chia sẻ.
Mặc dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, khi phải thuê trọ, làm mọi việc để nuôi con nhưng bà Xuân chưa bao giờ có ý định bán máu. “Những người cùng xóm thường nói tôi bị khùng và mắng: 'Mẹ đã mất mạng vì thiếu máu rồi, giờ lại tham lam đi bán máu'. Điều đó khiến tôi rất khổ tâm”, bà Xuân tâm sự.
Ngoài việc đăng ký hiến máu định kỳ, người phụ nữ này luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu có ai cần. Bà từng ít nhất 3 lần hiến máu trực tiếp để cứu bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch. Đó là khi nghe tin một bé trai cấp cứu tại Bệnh viện Long An, hay bệnh nhân ung thư bao tử bà đã không ngần ngại nhận lời cho máu.
Những "giọt hồng" kịp thời ấy đã cứu mạng sống của nhiều người. Nhưng khi người thân của bệnh nhân đến tận nhà để cảm ơn và tặng quà, bà Xuân không bao giờ nhận.
Với bà: "Hiến máu tức là cho đi, giúp đỡ được người nào quý người đó. Điều này mang lại cho tôi sự thanh thản, niềm vui sống mỗi ngày”.