Dân Việt

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và những đóng góp cho thiếu nhi

Khánh Thư – Hồng Liên 17/06/2015 18:35 GMT+7
Không chỉ là người đồng sáng lập và trở thành Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn trực tiếp viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và đứng ra mời gọi các văn nghệ sĩ cùng tham gia viết, vẽ cho các em.

Để thúc đẩy phong trào sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng tham gia thành lập tủ sách mang tên "Sách Kim Đồng" ra trong kháng chiến (1951). Ông cũng trực tiếp góp phần mình hai cuốn: Một ngày hèChiến sĩ ca nô. Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, mặc dù bộn bề công việc, ông vẫn dành tâm huyết viết truyện Tìm mẹ - một trong những truyện thiếu nhi hay nhất của ông.

img


Một số ấn phẩm của tác phẩm "Tìm mẹ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được phát hành từ năm 1960 đến 1987 như tác phẩm "Tìm mẹ" trong tủ sách Vàng dành cho nhi đồng (1966),  đĩa CD "Tìm mẹ", phiên bản audio hay tác phẩm "Tìm mẹ" phiên bản truyện tranh song ngữ Việt Anh (2006),...

Ngay trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài cùng các ông Hồ Trúc, Phong Nhã… luôn đau đáu với việc sáng tác cho thiếu nhi và xuất bản sách cho các em. Hòa bình lập lại, NXB Kim Đồng được thành lập (17.6.1957) với cả một quá trình chuẩn bị vô cùng vất vả mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng với nhà văn Tô Hoài là hai sáng lập viên chủ chốt.

Trở thành Giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bên cạnh việc lo toan các công việc tổ chức, hành chính, gây dựng cơ quan… còn dùng uy tín và cương vị của mình mời gọi các bạn văn nghệ sĩ quan tâm viết, vẽ cho thiếu nhi. Có thể kể đến nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, các họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Tạ Thúc Bình, các nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi... là những cộng tác viên của NXB Kim Đồng từ cái thuở ban đầu ấy.

Đến với Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi” (khai mạc sáng nay 17.6 và sẽ mở cửa đến 19.6) tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, những người yêu văn học nghệ thuật nói chung và yêu quý nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng có dịp được nhìn lại khối di sản đồ sộ mà tác giả để lại cho công chúng, thể hiện qua hàng trăm bức ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn và đặc biệt là những đóng góp của ông trong công tác xuất bản sách cho thiếu nhi. Trong đó có những bút tích nhắc nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tạ Thúc Bình… viết, vẽ cho các em; những tư liệu ghi chép phục vụ cho sáng tác; những trang nhật kí thể hiện quan điểm, tư tưởng sáng tác của Nhà văn; những bức thư thăm hỏi, trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với các nhà văn, cộng tác viên, cán bộ biên tập của NXB Kim Đồng như Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Xuân Sanh…

img

Giám đốc NXB Kim Đồng - họa sĩ Phạm Quang Vinh phát biểu khai mạc triển lãm.

Triển lãm đã dành một không gian trang trọng trưng bày các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi, từ những cuốn Sách Kim Đồng ra trong kháng chiến đến những cuốn sách đầu tiên khi Nhà xuất bản Kim Đồng mới ra đời.
img

Ông Nguyễn Huy Thắng - con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, bà Nguyễn Thị Bích Vân – Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc NXB Kim Đồng cắt băng khai mạc triển lãm.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Huy Thắng – nguyên Phó Giám đốc NXB Kim Đồng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho biết: “Khoảng thời gian trước và sau khi NXB Kim Đồng thành lập, ông đã phải làm việc với sức ép cao để chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã có ngay 8 cuốn sách đầu tiên ra mắt, bao gồm nhiều lĩnh vực như văn học, truyện tranh, khoa học, sách viết và sách dịch. Ông vừa lo mời gọi các bạn văn, các đồng chí, đồng nghiệp, vừa lo viết sách cho các em. Bản thân ông cũng viết rất nhiều để “lấp chỗ trống” cho các kế hoạch xuất bản đề ra nhưng chưa có bản thảo. Thời điểm đó ông viết nhiều truyện như: An Dương Vương xây thành ốc, Điện Biên Phủ của chúng em, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng,…”. Chỉ trong 8 tháng ngắn ngủi đảm nhận vị trí Giám đốc NXB Kim Đồng, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã kịp để lại nhiều đóng góp có giá trị. Sau đó, ông chia tay cơ quan để tham gia các lớp học tập, đấu tranh tư tưởng của giới văn nghệ, lên Điện Biên đi thực tế sáng tác.
img

img

Tác phẩm "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"phát hành sau khi nhà văn qua đời cùng lá thư của nhà văn, biên tập viên Hoàng Nguyên Cát gửi tới tác giả khi ông nằm trên giường bệnh.

Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, được dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học, thường xuyên được xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt phải kể đến hình thức truyện tranh - từ những truyện cổ tích như Con cóc là cậu ông Giời, Tìm mẹ, Thằng Quấy đến truyện lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tất cả đều được các thế hệ họa sĩ Kim Đồng thể hiện thành truyện tranh theo phong cách truyền thống hoặc hiện đại. Ngoài ra, những tiểu thuyết, kịch bản, truyện ký gắn với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng như Sống mãi với Thủ đô, Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Lũy hoa, Một ngày chủ nhật… cũng lần lượt được xuất bản trong Tủ sách Vàng - Tác phẩm văn học chọn lọc hay Tủ sách Tác giả của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Một số hình ảnh tại buổi khai mạc triển lãm sáng nay (17.6):

img

Trích thư Cao Ngọc Thọ gửi Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội, 5.11.1958.

img

Trích đoạn tranh Hà Nội chiến lũy hoa của Nguyễn Doãn Sơn, lấy cảm hứng từ truyện phim Lũy hoa và tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng và một cảnh Sống mãi với thủ đô - bộ phim được thực hiện nhân 50 ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946- 1996)

img

Một quan niệm về văn chương với thiếu niên của Nguyễn Huy Tưởng được hình thành năm ông 20 tuổi (nhật ký 31.3.1932).

img

Tác phẩm Ở chiến khu ký sự của Nguyễn Huy Tưởng.

img

Bức ảnh Nguyễn Huy Tưởng (phải) chụp chung với nhà văn Tô Hoài trong kháng chiến chống Pháp - ảnh do nhà văn Tô Hoài gửi cho  con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

img

Những kỷ vật, tác phẩm và bút tích của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

img

Lũy hoa là một vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng sáng tác từ tác phẩm Sống mãi với thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng 

img   img

Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan.