Bệnh nhân này có tiền sử đi du lịch tại Abu Dhabi và tiếp xúc với động vật sống tại chợ gia súc tại Ảrập Xêút, rồi quay về Đức từ tháng 2.2015. Sau đó, người đàn ông 65 tuổi đã tử vong do MERS-CoV.
Bệnh nhân nhập viện do MERS-CoV (ảnh minh họa).
Cũng theo Bộ Y tế, tính đến ngày 17.6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 8 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong. Như vậy, từ ngày 20.5 đến nay, nước này đã ghi nhận 162 trường hợp mắc, 19 trường hợp tử vong.
Hiện nay, Hàn Quốc đang thử nhiệm điều trị MERS-CoV cho 2 bệnh nhân tại 2 bệnh viện bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi sau khi mắc bệnh MERS-CoV.
Hiện Việt Nam hiện chưa có trường hợp nhiễm MERS-CoV. Tuy vậy, ngành y tế vẫn khuyến cáo phát hiện sớm, điều trị tích cực, không để lây nhiễm ra cộng đồng.
Cụ thể, ngày 17.6, lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm bệnh Mers-CoV trong toàn quốc cho hơn 10 tỉnh/thành phố và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế do Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp Cục Y tế dự phòng tổ chức.
Tham dự buổi tập huấn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - cho biết, đây là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh MERS-CoV nhằm phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh, cũng như tại cộng đồng.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, các bệnh dịch nguy hiểm ở Việt Nam thường được phát hiện từ bệnh viện như dịch SARS, H5N1… Mặt khác, đối với bệnh dịch MERS-CoV có đặc điểm thời gian ủ bệnh lâu (khoảng 2 tuần), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch, tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén... ) với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như: Đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa...