Ước mơ của con nhà nông
Trên bục vinh quang và cả ở hậu trường, xuyên suốt SEA Games 28, chúng tôi nhận thấy các VĐV Việt Nam xuất thân từ nông thôn không chỉ nở nụ cười thật tươi, mà có rất nhiều sự đăm chiêu, thậm chí là những giọt nước mắt vì quá xúc động, khi những nhà quán quân này không thể tiết chế cảm xúc.
Vô địch môn quyền Anh hạng 54kg, nữ võ sĩ Lê Thị Bằng (quê Hưng Yên) tâm sự: “Điều tôi nhớ nhất và cảm động nhất khi đăng quang là bố mẹ luôn dặn: Nhà mình làm nông, con phải luôn khiêm tốn. Con hãy cố gắng hết mình để cống hiến cho Tổ quốc và theo đuổi niềm đam mê. Khi nào xong thì về, cả gia đình sẽ “miễn” việc nhà nông cho con”. Còn Nguyễn Thị Huyền (quê Ý Yên, Nam Định)- người đoạt 3 HCV môn điền kinh, thì muốn tặng niềm vinh dự tới người mẹ ốm đau, nhưng vẫn gắng sức làm việc đồng áng và chăm sóc cả người chị bị bệnh về thần kinh để cô được toàn tâm, toàn ý tập luyện và thi đấu.
Cũng xuất thân con nhà nông, là người dân tộc Tày ở Bắc Giang, quán quân môn bắn cung Lộc Thị Đào đến SEA Games 28 với mong mỏi rất bình dị: Nỗ lực góp sức vào thành công của đoàn TTVN và lấy phần thưởng mua tặng bố mẹ một chiếc tivi. Đến khi giành HCV kèm theo “thưởng nóng” là một chiếc tivi, Đào xúc động đến 30 phút mới nói nên lời: “Tôi rất bất ngờ về điều này. Trong quá trình tập luyện và thi đấu, tôi tập trung tối đa vào chuyên môn. Gia đình tôi nghèo lắm, có được chiếc tivi này, chắc bố mẹ tôi rất vui”. Tại Singapore, trong những câu chuyện bên lề, chúng tôi còn ghi nhận rất nhiều những ước mơ giản dị như thế của các VĐV con nhà nông, khi niềm vui của họ đôi khi chỉ đơn giản là để người thân tự hào, hạnh phúc, để vơi bớt nhọc nhằn trên những cánh đồng.
Nghị lực tạo nên thành công
Trao đổi với ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 28, ông tâm sự: “Cá nhân tôi và ngành TTVN đánh giá rất cao sự đóng góp to lớn mà thầm lặng, thậm chí là chấp nhận hy sinh của các VĐV xuất thân từ nhà nông”.
Phân tích kỹ hơn, ông Phấn cho biết, có những VĐV chịu rất nhiều thiệt thòi, từ việc không được tập huấn nước ngoài, gần 10 năm thi đấu và đạt thành tích cao mà không được vào biên chế, nhưng họ không bao buông xuôi, không lùi bước. “Những khó khăn ấy đã hun đúc nên nghị lực bình dị mà lớn lao cho các VĐV này. Họ không phàn nàn bằng lời nói mà nỗ lực thể hiện năng lực của mình bằng hành động cụ thể. Điều đó đã mang tới những thành công thực tế ở SEA Games 28. Ngành thể thao cũng đã ghi nhận sự đóng góp ấy và sẽ làm tất cả để tạo điều kiện cho các VĐV này yên tâm, tập trung và tự tin hơn theo con đường đã chọn” - ông Phấn khẳng định.
Khi chúng tôi hỏi con số cụ thể về số lượng VĐV con nhà nông trong đoàn TTVN tham gia thi đấu và đạt thành tích cao tại SEA Games 28, ông Phấn bộc bạch: “Tôi chưa thể thống kê có bao nhiều VĐV con em nông dân, nhưng chắc chắn là rất nhiều. Đây cũng là một trong những đặc trưng, tạo nên nét độc đáo và mang tới sức mạnh đặc biệt cho đoàn TTVN. Những VĐV có tiềm năng sẽ được đầu tư nhiều hơn nữa, để hướng tới các mục tiêu cao hơn”.