Dân Việt

30 năm đi tìm đồng đội

12/06/2011 13:11 GMT+7
(Dân Việt) - 30 năm nay, cựu chiến binh Trần Ánh Yên (thị trấn Đô Lương, Nghệ An) miệt mài đi tìm thông tin phần mộ đồng đội để báo cho gia đình họ. Danh sách ông thu thập được đã lên tới con số trên 1.000...

Đến thời điểm này, ông Yên và đồng đội của mình đã lập được danh sách 1.031 ngôi mộ liệt sĩ của Trung đoàn 271, Sư đoàn 302 hy sinh trong giai đoạn 1972- 1977 tại những chiến trường ông từng công tác và chiến đấu. Hồ sơ phần mộ bao gồm tên tuổi, quê quán, chức vụ, ngày hy sinh, đang yên nghỉ tại đâu...

img
Ông Yên bên những kỷ vật kháng chiến.

Nghĩa vụ của người còn sống

Khi có dịp về những địa phương ông từng chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ, ông Yên luôn cố nhớ lại xem tại đó có bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, rồi hỏi người dân xem có ai biết để thu thập thông tin. Cứ như vậy, càng ngày danh sách thông tin phần mộ liệt sĩ đồng đội của ông càng dày thêm.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975) đến nay, đã trên chục lần ông về thăm lại chiến trường xưa để tìm phần mộ đồng đội. Tất cả mọi khoản kinh phí đi lại đều do cá nhân ông cùng đồng đội tự bỏ rạ.

Ông Yên bộc bạch: "Bao đồng đội của mình đã về với đất, bỏ lại đằng sau mẹ già, vợ con, em nhỏ... để mình có được cuộc sống ngày hôm nay. Tôi cảm thấy mình mắc nợ, tìm lại tên cho đồng đội là việc làm để tôi và đồng đội có thể thay lời tri ân với những người đã ngã xuống". Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 271 của ông tổng kết có khoảng 1.600 chiến sĩ hy sinh, như vậy vẫn còn hơn 500 liệt sĩ chưa tìm được phần mộ. Với ông Yên, việc tìm được các phần mộ này là nghĩa vụ của ông và những người còn sống.

Bảo tàng kỷ vật

Chúng tôi đến thăm ông Yên vào một ngày mưa dầm, lúc ông đang bận bịu với công việc chăm sóc, vận chuyển cây cảnh. Dáng người nhỏ nhắn, rắn rỏi, tuy đã bước qua tuổi 63 nhưng trông ông vẫn rất nhanh nhẹn và hoạt bát.

Nhập ngũ năm 1968, 2 năm là lính công binh của đoàn 22 thuộc Quân khu 4, ông Yên từng tham gia mở đường, đào hào bảo vệ vùng biển Nghi Lộc, Cửa Lò (Nghệ An) chống sự xâm lấn của tàu chiến Mỹ. Sau đó ông Yên được biên chế vào Trung đoàn 271 rồi đi Thượng Lào chiến đấu trong môi trường núi rừng hiểm trở 1 năm trời mới trở về tham gia làm đường 9- Khe Xanh. Trong Trung đoàn 271 anh hùng, ông Yên là một trong những người sống và gắn bó lâu năm nhất từ khi vào lính đến lúc xuất ngũ (1968- 1989).

Sau nhiều năm chiến đấu gian khổ, ông Trấn Ánh Yên về đoàn tụ cùng vợ con năm 1988 với quân hàm đại úy. Từ đó, ông góp nhặt, dành dụm từng đồng để mỗi khi có dịp là về lại chiến trường xưa tìm kiếm phần mộ đồng đội và sưu tầm những kỷ vật kháng chiến.

Sau những lần đi thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội, thấy những vật dụng của đồng đội đã hy sinh, ông đều tìm cách mang về. Đến giờ, trong căn nhà tạm của ông đã có hàng chục kỷ vật chiến tranh. Theo ông, kỷ vật nào cũng quý, cũng gắn nhiều kỷ niệm...

Ông vừa cho chúng tôi xem, vừa chỉ dẫn rõ công dụng và nguồn gốc xuất xứ của từng vật dụng thân thuộc với người lính, từ đơn giản như chiếc bật lửa, bi đông, lưỡi cưa, đèn chiến đấu đến những vật dụng phức tạp như ống nhòm, đồng hồ pháo binh, vỏ bom bi, hay chiếc lược nhôm tự tay ông làm để tặng cho người yêu (bây giờ là vợ của ông)... Tất cả đều được ông cất giữ cẩn thận.

Những lúc đồng đội đến chơi, ông Yên thường mang các kỷ vật ra để anh em cùng hàn huyên, nhắc lại một thời khói lửa mà hào hùng. Ông dự định sau này, lúc gần tạ thế, sẽ dành tặng toàn bộ những hiện vật của mình cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Bây giờ, ông Yên là chủ của một vườn hoa cây cảnh với giá trị bạc tỷ nằm ven đường Quốc lộ 7, thị trấn Đô Lương. "Nghề cây cảnh phải luôn chân luôn tay, ít khi được nghỉ ngơi lắm. Nhưng nếu biết ở đâu có thông tin về phần mộ đồng đội, tôi sẽ thu xếp để lên đường ngay"- ông tâm sự.