Trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi do Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình ra trước Quốc hội, các quy định liên quan đến quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cụ thể là họ “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (tại Điều 40, 41, 42, 43), đã được các ĐB tập trung mổ xẻ.
Chống bức cung, nhục hình
Đồng tình với quy định của dự thảo, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích: “Thực tế cho thấy lần đầu bị công an triệu tập nhiều người mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, nhất là người ít hiểu biết về pháp luật, vị thành niên, người dân tộc thiểu số, có những trường hợp đã tự sát tại nơi lấy lời khai hoặc nơi giam giữ”.
Bà Nga dẫn chứng bằng trường hợp của anh Hoàng Văn Ngài, người dân tộc Mông, đã tự sát năm 2013 tại Công an Gia Nghĩa, Đăk Nông sau 2 ngày bị triệu tập lên làm việc.
Cùng chung quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) sau khi dẫn ra một phần nội dung Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia, trong đó Điều 1a của Công ước quy định: "Nghi can có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc tội phải nhận mình là có tội" đã phân tích thêm: Sở dĩ cả thế giới ghi nhận quyền này vì khi nghi can rơi vào vòng tố tụng, họ phải đối mặt với bộ máy điều tra có đầy đủ phương tiện, thiết bị hiện đại, có kiến thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ năng thẩm vấn. Thậm chí, phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị sử dụng bạo lực bức cung, nhục hình. Trong khi đó nghi can luôn ở thế yếu trong tố tụng hình sự, ít hiểu biết về pháp luật.
Nhìn nhận một góc nhìn khá khác biệt, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) dù đồng tình với với quy định về “quyền im lặng của bị can, bị cáo” nhưng vẫn đặt vấn đề “quyền của bị can, bị cáo chỉ được thực hiện khi cơ quan tiến hành tố tụng chấp hành nghiêm chỉnh. Trong hoàn cảnh người bị tạm giam, tạm giữ nhưng không có người chứng kiến, không có sự giám sát, nếu cơ quan tố tụng không tôn trọng quyền nói trên thì cho dù quy định chi tiết đến bao nhiêu, rộng lớn thế nào cũng chỉ là hình thức mà thôi”.
Ai chịu trách nhiệm nếu tội phạm lộng hành?
Trong khi khá nhiều ĐB nêu quan điểm đồng tình với quy định về “quyền im lặng”, vẫn có những ý kiến trái chiều, đề nghị giữ nguyên như bộ luật hiện hành. Cũng dễ hiểu khi các ý kiến này thuộc về các ĐB đang trong ngành tố tụng hoặc có liên quan tới tố tụng.
“Tôi đề nghị không nên quy định bắt buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội thành một quyền độc lập trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều đó làm phá vỡ các nguyên tắc tố hình sự, dễ bị lợi dụng, gây khó khăn, phức tạp đến công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm” - ĐB Dân nêu quan điểm.
Mạnh mẽ hơn, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) còn đặt câu hỏi: Khi tội phạm lộng hành, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Ông Đương phân tích: Nhiệm vụ của tố tụng hình sự trước hết là đấu tranh phòng chống tội phạm và cùng với đó là không được để xảy ra oan sai. Không thể coi trọng chống oan sai mà không chú ý tới đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Nếu quá đề cao tới chống oan sai, quá đề cao tới quyền của người phạm tội, đặt ra các quy định không khả thi làm bó tay cơ quan điều tra thì lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội sẽ bị xâm phạm, tội phạm sẽ lộng hành.
Theo ông Đương, quy định hiện hành cũng đã rất tiến bộ: Khai hay không khai là quyền chứ không phải nghĩa vụ của người bị bắt. Cơ quan điều tra không chỉ phụ thuộc vào mỗi lời khai của người phạm tội. Người ta vẫn tìm các bằng chứng khác để kết tội, đó là trách nhiệm chứng minh.
Ông Đương lấy dẫn chứng: “Trong khi bom khủng bố hẹn giờ chỉ còn vài tiếng nữa sẽ phát nổ, tổ chức tội phạm giết người cướp của đang chuẩn bị hành động mà tại thời điểm bị bắt, chỉ có đối tượng phạm tội mới biết được thời gian, địa điểm thì nhất định phải khai báo. Nếu chỉ chậm 1 phút thì tai họa khôn lường. Đấy là nhân đạo cho một người nhưng sẽ giết nhiều người. Vậy tại sao lại khuyên người ta im lặng để tránh hậu quả?”.