Có ý kiến cho là nhà đài thấy chiếu phim lịch sử ít thu được quảng cáo nên thôi. Có ý kiến lại cho là phía nhà sản xuất đã vội vã, trong khi VTV chỉ mới đồng ý bằng văn bản cho phát sóng 20 tập đầu nhưng họ đã sản xuất tới 42 tập. Thế nào thì bộ phim cũng đã bị ngừng phát sóng, có thể là tạm thời, nhưng như vậy cũng khiến khán giả có những băn khoăn.
Ai cũng biết lịch sử luôn là đề tài mời gọi các nhà sáng tạo VHNT. Nó hấp dẫn nhưng khó làm, càng khó làm hay, nhất là trong điều kiện kinh tế, vật chất của nước ta. Trong các ngành nghệ thuật thì điện ảnh làm phim về lịch sử là rất tốn kém, chưa nói tới chất lượng của một bộ phim lịch sử nhiều khi không phải tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra.
Chưa biết thông tin nhà sản xuất vội vã sản xuất số lượng tập phim vượt quá thỏa thuận với nhà đài cốt để bán cho chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đúng sai thế nào, nhưng việc VTV ngừng phát sóng "Huyền sử thiên đô" cũng đáng để đặt dấu hỏi về định hướng của Đài Truyền hình T.Ư trong việc phục vụ và giáo dục khán giả.
Nếu không vì lý do nêu trên mà có thể hai bên dễ thỏa thuận lại với nhau, mà chỉ vì lý do phát phim lịch sử nhà đài ít thu được quảng cáo thì VTV nên xem lại.
Đành là phát phim đề tài hiện đại được nhiều người xem nên dễ thu hút quảng cáo hơn. Đành là phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc có phần làm đẹp hơn, hay hơn phim ta, nên cũng dễ kéo được quảng cáo nhờ đông người xem. Nhưng đây là phim ta, lại là một phim xem được, chiếu trên truyền hình ta, thì nhà đài không nên quá tính toán thiệt hơn giữa giá trị tinh thần và lợi ích tiền bạc.
Tác động của một bộ phim như "Huyền sử thiên đô" chiếu trên đài truyền hình không chỉ ở nội dung phim ấy, mà còn ở chỗ lôi kéo người xem nước mình quan tâm đến phim lịch sử nước nhà, ở chỗ kích thích, cổ vũ những người làm phim mạnh dạn đầu tư vào phim lịch sử.
Tin mới là VTV sẽ có thể tiếp tục phát sóng bộ phim này. Đó là một việc làm đúng. Và nếu có thể nữa, sau khi phát sóng xong, nhà đài nên thu thập ý kiến người xem để cùng với nhà sản xuất hợp tác với nhau cho ra đời tiếp những bộ phim lịch sử có chất lượng. Mong lắm việc này!
Phạm Xuân Nguyên