Dân Việt

Ước mơ của thiếu nữ côi cút mơ làm tiếp viên hàng không

12/06/2011 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn 10 năm qua, không có bàn tay của bố, mẹ chăm sóc, em luôn sống trong cảnh lo ăn từng ngày. Bữa thường chỉ có cơm, rau. Những khi giáp hạt, có bữa em phải ăn rau thay cơm.

17 tuổi, em có những ước mơ, những nỗi niềm nhưng thiếu mẹ cha để nhỏ to chia sẻ. Cùng trang lứa với em, các bạn sôi nổi bàn nhau chọn màu vải nào, đòi bố mẹ may cho bộ áo dài mới... còn em chỉ lo phải làm sao để che kín được những lỗ thủng trên mái nhà trước mùa mưa đến. Biết mình thua thiệt so với bạn bè nhưng em luôn tin rằng, mình sẽ đứng vững giữa cuộc đời này...

Bố bỏ mẹ đi theo người phụ nữ khác khi em chưa ra đời. Sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề, năm em 7 tuổi, đang học lớp 2, thì mẹ quyết định đi bước nữa. Không thể ở với người bố dượng khắc nghiệt, em tìm về ngôi nhà cũ nơi mình được sinh ra và chấp nhận cảnh côi cút.

img
Tranh thủ lúc rảnh, Hoài khâu nón để có tiền mua sách vở.

Gọi là nhà nhưng thực chất nó chỉ như một túp lều của người chăn vịt, rộng chưa đầy 8m2, dựng sơ sài bằng những tấm gỗ vụn trên mảnh đất mượn của người bác ruột. Vợ chồng bác dù thương cháu tội nghiệp, nhưng cũng nghèo nên mọi sự mưu sinh em đều phải tự mình xoay xỏa.

Em phải sắp xếp thời gian biểu hợp lý để vừa đến lớp vừa chăm 1 sào ruộng khoán, mấy thửa rau màu. Lúc rảnh em mò cua, bắt ốc nhận quay sợi, dán hàng mã, làm nón. Những công việc nặng nhọc như gánh gồng, cày bừa, phun thuốc sâu... không thể tự làm, em phải đổi công cấy, gặt để người lớn trong làng hỗ trợ.

Hơn 10 năm qua, không có bàn tay của bố, mẹ chăm sóc, em luôn sống trong cảnh lo ăn từng ngày. Bữa thường chỉ có cơm, rau. Những khi giáp hạt, có bữa em phải ăn rau thay cơm. Tiền công ít ỏi từ làm hàng mã, đan nón hoặc có người thương mà giúp, em để dành mua sách vở. Em chưa khi nào dám mơ tới chuyện sẽ mua một bộ quần áo đẹp.

Sống trong cảnh khốn khó ấy, nhưng suốt 10 năm học qua, chỉ có 2 năm em nhận danh hiệu học sinh tiên tiến, còn lại 8 năm là học sinh giỏi toàn diện. Kết quả học tập chính là cách để em đền đáp lại sự đùm bọc của bà con xóm làng, sự quan tâm của nhà trường đã miễn cho em học phí cũng như các khoản đóng góp khác, sự chỉ bảo ân cần của thầy cô và đặc biệt là tình cảm tốt đẹp của những nhà hảo tâm thông qua một số tổ chức từ thiện, cơ quan báo chí đã động viên, chia sẻ và tiếp sức cho em...

Ngày ngày, trên chiếc xe đạp cũ do một người tốt bụng cho, em đến lớp rồi xuống làng Chuông cách gần 10 cây số mua nguyên liệu về làm nón, sau đó đem sản phẩm xuống đó giao. Công cho một chiếc nón hoàn thiện được khoảng 5.000 đồng, mỗi ngày nghỉ em làm được 2 chiếc.

"Năng nhặt chặt bị", năm nay 17 tuổi, em tin rằng, bằng nghị lực cùng ước mơ cháy bỏng, em sẽ vượt qua được tất cả những khó khăn, học tập thật tốt để mai này có cơ hội trở thành một nữ tiếp viên hàng không, được bay lên ngắm nhìn bầu trời xanh và những đám mây vô tư lự...