Dân Việt

SEA Games: Hạnh phúc bất ngờ của những “cánh chim lạ”

Tuệ Minh 19/06/2015 09:52 GMT+7
Cũng như các kỳ SEA Games, ASIAD trước đây, SEA Games 2015 đã chứng kiến sự tỏa sáng của nhiều “nhân tố bí ẩn”. Họ đã cùng chung sức tạo nên thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) trên đất Singapore.

“Em là nhân tố bí ẩn”

Đấu kiếm là một trong những đội tuyển đầu tiên đặt chân tới Singapore và đảm nhận nhiệm vụ “mở hàng Vàng” cho TTVN. Thời điểm đó gặp nữ kiếm thủ kỳ cựu Trần Thị Len, tôi hỏi “xoáy” – Em tên gì nhỉ? Và Len cười đáp “xoay” rất nhanh: “Em là nhân tố bí ẩn ạ!”.

img
Võ sĩ wushu Trần Thị Minh Huyền với bài biểu diễn Thái cực quyền cuốn hút 
mọi ánh nhìn của khán giả tại nhà thi đấu Singapore Expo. Ảnh: Đồng Đức

Len “bí ẩn” cũng phải thôi! Đã 4 năm đã trôi qua từ ngày cô giành tấm HCV cá nhân kiếm 3 cạnh nữ ở SEA Games 2011, trình độ của các vận động viên khác trong khu vực đã có bước tiến đáng kể (SEA Games 2013 không tổ chức đấu kiếm).

Bản thân Len cũng vừa tập, vừa nuôi con nhỏ mới gần 3 tuổi. Trước thềm SEA Games khoảng 1 tháng, cô lại bị viêm phổi, phải uống thuốc, tiêm liên tục mới kịp hồi phục đi dự đại hội thể thao khu vực, đương nhiên sức khỏe giảm sút rất nhiều.

“Trường hợp của Len, chúng tôi không nghĩ em có thể giành HCV. Ai ngờ em lại thể hiện phong độ, ý chí thi đấu kiên cường đến vậy, xứng đáng là tấm gương cho các VĐV trẻ noi theo” - ông Phùng Lê Quang – Trưởng bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT cho biết như vậy.

Thực tế, tấm HCV của các đàn chị như Len, Lệ Dung (kiếm chém nữ) đã động viên, “tiếp lửa” rất nhiều cho các đàn em, mà trường hợp của kiếm thủ 18 tuổi Nguyễn Minh Quang là minh chứng.

Ở nội dung kiếm liễu cá nhân nam, với cái tay trái cực kỳ điêu luyện mang theo đầy khát khao chiến thắng, Minh Quang đã khiến Panchan (Thái Lan)- “độc cô cầu bại” nhiều kỳ SEA Games, năm nay đã 33 tuổi- phải nhiều phen tái mặt.

Kết thúc trận chung kết, Panchan thắng nhưng đã phải giơ ngón tay cái ngợi khen, thể hiện sự khâm phục đối với Minh Quang. “Những kỳ SEA Games tới sẽ là của cậu!” - Panchan nói với Quang sau cái ôm thật chặt dành cho nhau.

Nhận xét về cậu học trò cưng, huấn luyện viên Bùi Văn Thái nói: “Ở tuổi 18 mà Quang đã đánh được như thế là quá tốt. Những năm tới mới là giai đoạn cậu ta phát triển mạnh hơn và chắc chắn sẽ không dừng ở việc chinh phục huy chương SEA Games”.

Ngỡ ngàng khi nhận huy chương

Quan điểm

Ông Nguyễn Hải Đường
  Trương Thị Phương mới tập đua thuyền được hơn 2 năm và sau SEA Games, “hạt ngọc” này sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm trong chiến lược chuẩn bị dài hơi cho ASIAD 2018 và Olympic 2020. 
Một “cánh chim lạ” khác không thể không nhắc đến là nữ võ sĩ wushu 20 tuổi Trần Thị Minh Huyền. Tại nhà thi đấu Singapore Expo, bản thân cô cũng chẳng thể tin nổi mình lại có bài biểu diễn thái cực quyền tuyệt vời đến thế. Trong khoảng 1 phút 30 giây Minh Huyền thể hiện bài thi trên thảm đấu, các khán đài im phăng phắc. Mọi ánh mắt đều tập trung như cố gắng giữ lấy từng động tác của Huyền phía dưới. Phải đến khi cô kết thúc bài quyền của mình một lúc, tiếng vỗ tay tán thưởng mới vang dội khắp nơi. Sau đó, rất nhiều người dân Singapore đã đến xin chụp ảnh lưu niệm với Minh Huyền khiến nhà vô địch thế giới Lindswell (Indonesia) cũng phải phát ghen.

“Lindswell đoạt HCV thái cực quyền không có gì bất ngờ bởi cô ta đã vô địch thế giới nhiều năm và quá quen thuộc với khán giả rồi. Bài biểu diễn của Minh Huyền như mang lại một luồng gió tươi mới cho tất cả mọi người. Chúng tôi đánh giá rất cao sự tự tin, thần thái của Huyền. Em là một tài năng của wushu Việt Nam hứa hẹn sẽ tỏa sáng ở ASIAD 2018” - ông Lê Minh Hà – Trưởng bộ môn wushu Tổng cục TDTT nhận định.

Về phần Minh Huyền, ngồi trên khán đài trò chuyện với người viết, cô bảo: “Em cảm thấy… buồn cười khi bất ngờ được khán giả dành cho nhiều tình cảm đến thế. Tấm HCB SEA Games thật sự quá bất ngờ đối với em”.

Tài không đợi tuổi, tại SEA Games 2015, giới truyền thông còn được chứng kiến tấm HCV của nữ VĐV đua thuyền canoeing năm nay mới… 16 tuổi. Cô gái quê Vĩnh Phúc Trương Thị Phương trong lần đầu tiên dự SEA Games đã về nhất trên đường đua 200m đơn nữ với thành tích 51,456 giây, bỏ khá xa người về sau là Orasa (Thái Lan, 53,338 giây). Theo ghi nhận của phóng viên tại Vịnh Marina, sau khi cán đích, vì quá vui mừng, Phương đã mất thăng bằng và bị lật thuyền, phải nhờ cứu hộ đưa lên.

Nói về kỳ tích của Trương Thị Phương, ông Nguyễn Hải Đường - Trưởng bộ môn đua thuyền Tổng cục TDTT bày tỏ: “Nếu như bơi lội có Ánh Viên là trường hợp đặc biệt thì tôi có thể nói Trương Thị Phương cũng là một cá nhân đầy tiềm năng của đua thuyền Việt Nam. Ở Phương có một sức mạnh đáng nể và tiến bộ nhanh chóng. Em mới tập đua thuyền được hơn 2 năm và sau SEA Games, “hạt ngọc” này sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm trong chiến lược chuẩn bị dài hơi cho ASIAD 2018 và Olympic 2020”.