Bà con ở đây thường thân mật gọi báo in được cấp phát (báo 2472) là “ông chính sách” và tiếp thu rất nghiêm túc những nội dung mà báo phổ biến thông qua cán bộ các thôn bản…
Lấy “ông chính sách” làm chuẩn!
Vốn nổi tiếng là xã khó khăn của huyện Quỳnh Nhai và của tỉnh Sơn La, nhưng mấy năm trở lại đây, sau công cuộc tái định cư phục vụ xây dựng Thủy điện Sơn La, cơ sở hạ tầng của xã đã được cải thiện, các tuyến giao thông được mở rộng, diện mạo đời sống của bà con các bản dần khấm khá hơn. “Trên 90% dân số của xã là người Thái, người Mông trong tổng số 2.270 hộ thì còn khoảng gần 500 hộ nghèo (năm 2014). Tuy dân trí còn chưa cao nhưng bà con rất thích được tiếp cận với thông tin từ các báo. Bà con tin “ông chính sách” hơn cả tin cán bộ xã, nếu tuyên truyền về vấn đề gì mà có một tờ báo làm dẫn chứng thì sức thuyết phục sẽ cao hơn rất nhiều...” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tòng Văn Món chia sẻ.
Ở Mường Giôn, điện lưới đã phủ hầu khắp các bản, nên đài, ti vi nhiều hộ đã sắm được, tuy nhiên bà con vẫn rất hào hứng với thói quen tập trung để được nghe thông tin mà “ông chính sách” đã đăng. Cái tiện lợi nhất của hình thức sinh hoạt này là chỗ nào khó hiểu, chưa hiểu thì hỏi lại ngay để được giải thích hoặc cùng nhau trao đổi vừa vui lại đoàn kết. Nghe đọc nhiều thành quen, thành tín nhiệm, những chính sách đăng trên “ông chính sách” được bà con coi như quy chuẩn để áp dụng hoặc để đối chiếu với lời của cán bộ nói.
Làm giàu nhờ “ông chính sách”
8 năm về trước, xã Mường Giôn còn nghèo “kiết xác”. Nhà nước đưa đủ các Chương trình 134-135 vào xã, rồi còn cấp gạo cứu đói... nhưng bà con chỉ biết nhận. Ông Phiệng khi ấy giữ cương vị Phó Chủ tịch xã đã trăn trở rất nhiều, phải làm sao để vực dậy Mường Giôn, đưa bà con thoát cảnh đói nghèo... Và rồi trong một lần xuống huyện họp, ông đã vô tình đọc được bài viết trên trang Dân tộc – Miền núi của Báo Nông Thôn Ngày Nay về tấm gương của một cán bộ xã ở tận Tây Nguyên đã vươn lên làm giàu cho bản thân bằng nghề chăn nuôi gia súc, là tấm gương cho bà con buôn làng noi theo. Chính cái lý của nhân vật trong bài báo: “Muốn giúp bà con thoát nghèo trước tiên mình phải tìm ra con đường làm giàu và trở thành người giàu trước đã. Cán bộ có làm tốt thì dân mới theo...” đã thức tỉnh ông Phiệng, và lựa chọn tối ưu nhất của vị Phó Chủ tịch xã lúc bấy giờ là “chăn bò”...
Ban đầu đàn bò của ông Phiệng cũng chỉ có 5 con. Qua tìm hiểu các bài báo về kỹ thuật chăm sóc, cách làm chuồng trại, cách phát triển số lượng bò mà chỉ sau mấy năm sau, đàn bò của ông Phiệng đã lên đến 146 con trong đó có 70 bò nái đẻ. Nhìn ông cán bộ Phiệng “chăn bò” và giàu lên trông thấy, nhiều bà con trong xã lần lượt làm theo và phong trào chăn nuôi đại gia súc ở Mường Giôn từ đó phát triển rầm rộ. Bây giờ thì Mường Giôn đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống của bà con người Thái, người Mông ngày càng được nâng cao, xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang...