Những người đàn ông sẽ luôn tỏ ra hoàn hảo trong mắt họ trong suốt thời gian đầu, đến khi “về với đội em” rồi mới ê chề hiện ra bản chất. Mà ngộ một điều, những người phụ nữ kiểu đó lại sĩ diện rất cao, thà ngậm đắng nuốt cay chứ không dám từ bỏ, chẳng dám thay đổi…
Phụ nữ hão huyền bởi những lý tưởng, rằng đàn ông phải mạnh mẽ, phải ga lăng, phải là trụ cột, phải đủ cơ bắp lẫn dịu dàng để cáng đáng hết mọi thứ. Rồi khi không đáp ứng được cái tiêu chuẩn trong mơ của mình, họ dễ dàng thất vọng, gắt gỏng, chê bai, cáu bẳn, chà đạp mọi thứ. Mà quên mất, đàn ông thì cũng chỉ là người phàm, trang lứa như mình, có khác gì đâu mà kỳ vọng nhiều đến thế cơ chứ!
Đàn bà quả là hay sợ hãi. Lo lắng đủ điều. Từ chuyện không dám một mình nuôi con, sợ có lúc sa cơ, thất nghiệp. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ không có mái gia đình đủ đầy cha mẹ. Thương con không nỡ chia lìa tình phụ tử… Những khái niệm sách vở tưởng cao đẹp ấy khiến đàn bà chấp nhận trói đời mình vào những cuộc hôn nhân nửa vời, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Rồi ông chồng vũ phu, nát rượu, vô trách nhiệm vẫn được tôn thờ là trụ cột, vì cái ý nghĩ sợ nhà không nóc! Thật đáng buồn thay.
Tôi từng thấy bà mẹ suốt đời để gia đình sống trong cảnh muộn phiền bức bối vì chính mối quan hệ vợ chồng đã quá vá víu tạm bợ. Nhưng khi con cái lớn hơn, một hai khuyên mẹ ly dị đi cho nó lành, đừng cố nắm níu cái “xác” không hồn vía nữa, thì bà mẹ vẫn khăng khăng rằng, “vì con”. Lũ con của chị phản đối, cho rằng chị đừng kéo chúng vào câu chuyện ấy, chúng chẳng liên quan gì, chúng có cuộc đời của chúng. Mà cuộc đời đó, có khi bị những suy nghĩ tưởng hy sinh, cao thượng của bà mẹ làm cho hỏng mất rồi còn gì.
Nhưng thứ quan trọng nhất, là cuộc sống bình yên và hạnh phúc của mình, lại cam tâm mặc kệ. Tới đây hay tới đó. Chẳng dám quyết liệt thay đổi. Sai vẫn để vậy, chịu đựng. Họ lấy con cái là bình phong, là cái cớ để che đậy cuộc hôn nhân tồi tệ của mình. Họ hèn nhát không dám cắt đứt mối quan hệ nhảm nhí ấy. Họ sợ điều tiếng. Họ sợ thay đổi. Họ sợ đối diện với cái tôi nhỏ nhen của mình. Họ tiếp tục mối quan hệ vợ chồng cũng như tiếp tục những trận cãi vã liên miên trước mặt con cái. Họ dường như không biết rằng, khi bố mẹ không hạnh phúc, hôn nhân của con cái trong tương lai nhiều khả năng có thể sẽ lặp lại như bố mẹ chúng. Bố mẹ không tôn trọng nhau, thì lấy đâu ra tình yêu và sự tôn trọng cho con cái được.
Vậy nên vì con vì cái thì hoặc cắt đứt cuộc hôn nhân rạn nát, hoặc là thay đổi. Đơn giản vậy thôi, mà cái tôi của bao người trong cuộc luôn lớn hơn sự ấm êm gia đình. Trong đó có cả những đứa con mà cha mẹ cứ ngỡ đã hy sinh cho chúng, mà chẳng cần biết hoặc quan tâm xem chúng có cần điều đó hay không.
Tôi từng thấy vài người đàn bà bị chồng đánh cho thâm tím cả mặt mũi, nhưng khi ra ngoài, có ai đó hỏi tới, lại chối đây đẩy rằng do mình bị té ngã, vô ý trượt chân, bị va vào cầu thang… chẳng hạn. Cứ như thể, bị chồng bạo hành là lỗi lầm, là điều đáng xấu hổ, hổ thẹn của chị ấy. Chứ không phải người đàn ông vũ phu kia mới đáng lên án, chê cười. Vì sao có suy nghĩ và cách hành xử đó? Đơn giản, bởi chính chúng ta, những người xung quanh vốn quen với kết luận rằng, à, chị kia bị chồng đánh. Chắc phải sao đó, chứ không có lửa làm sao có khói cho được. Đấy là quan điểm của đàn bà. Đàn ông đa phần nghĩ: ừ thì đánh vợ chút đỉnh, cũng thường thôi, có gì đâu mà ầm ĩ cơ chứ!
Tương tự cho chuyện ly dị, chia tay chồng. Người ta mỉa mai rằng “người đàn bà bị chồng bỏ”, chừng đó tuổi mà hai đời chồng rồi đấy, nhà đó có cô chị ly dị… Văn phòng có thêm nữ nhân viên mới vào, mà trong hồ sơ mang dấu ấn quá khứ “đã ly hôn”, là đàn bà dành cho cái nhìn soi mói, tò mò ngay lập tức. Rồi nhất cả nhất động đều được mang ra xem xét, từ lông mày cho tới đôi chân, từ giọng nói cho tới thái độ, xem chị kia vì lý do gì mà không giữ nổi mái gia đình của mình!
Nên đôi khi, cũng không hẳn do người đàn bà kia muốn sĩ diện, mà lối xóm đồng nghiệp, bà con bạn bè và cả xã hội khiến cho chị ấy phải gắng gồng lên mà sống, mà diễn cho tròn cái vai làm vợ làm mẹ khốn khổ của mình, là vậy!