Dân Việt

Gắn camera xe buýt: Khó trị “dê xồm“

Gia Minh (Người lao động) 21/06/2015 03:00 GMT+7
Gắn camera trên xe buýt sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải kiểm soát doanh thu, nâng cao chất lượng phục vụ nhưng để chống nạn quấy rối tình dục, trộm cắp thì khó khả thi

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, kế hoạch gắn camera trên các tuyến xe buýt trên địa bàn đã xong khâu chuẩn bị. Việc lắp đặt camera dự kiến hoàn tất vào năm 2016. Chủ trương này được hầu hết doanh nghiệp (DN) vận tải đồng tình.

Phí vận hành: 400.000 đồng/xe/tháng

TP HCM hiện có gần 2.800 xe buýt hoạt động trên 107 tuyến có trợ giá và khoảng 400 xe hoạt động trên 32 tuyến không trợ giá. Theo kế hoạch, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM sẽ lắp đặt 3 camera trên mỗi xe buýt (2 chiếc bên trong, chiếc còn lại gắn ở đầu xe để theo dõi hành trình và việc đón, trả khách).

Những xe buýt mới đầu tư theo đề án 1.680 xe (Quyết định 2545 của UBND TP HCM ngày 23-5) hoặc DN tự đầu tư mới cũng bắt buộc phải lắp đặt camera. Từ quý III năm nay, việc lắp đặt được tiến hành và hoàn thành vào quý IV/2016. Theo kế hoạch này, các đơn vị vận tải phải thống nhất được lộ trình, số lượng xe buýt dự kiến lắp đặt trong từng giai đoạn để có báo cáo cụ thể.

img

Với những chuyến xe buýt đông khách, liệu camera giám sát có ghi lại được hình ảnh trộm cắp, sàm sỡ...?

Mức kinh phí đầu tư lắp đặt camera trung bình khoảng 13 triệu đồng/xe, phí vận hành khoảng 400.000 đồng/xe/tháng. Trung tâm cho biết sẽ tham mưu cho Sở Giao thông Vận tải TP HCM kiến nghị UBND TP hỗ trợ các DN vận tải đã đầu tư lắp đặt đồng bộ trên xe buýt hoặc đưa nội dung chi phí thiết bị vào để tính toán việc tăng thêm trợ giá.

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, việc lắp đặt camera trên xe buýt ngoài giúp DN vận tải kiểm soát sản lượng, nâng cao chất lượng phục vụ còn góp phần chống nạn quấy rối tình dục, trộm cắp.

Trước đó, tháng 12-2014, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội và TP HCM nêu số liệu khảo sát của tổ chức Action Aid về tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng ở 2 TP này. Theo đó, 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng dù cuộc khảo sát chỉ thực hiện trên diện hẹp (2.046 người) nhưng kết quả phần nào phản ánh nguy cơ bị xâm hại về thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương về tâm lý, tình cảm và sức khỏe của phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công cộng. Do đó, cơ quan này đề nghị UBND TP Hà Nội và TP HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, khảo sát và có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.

Khó chống sàm sỡ

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, Trưởng Phòng Điều hành Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn (SaigonBus), việc gắn camera trên xe buýt sẽ rất hiệu quả trong công tác giám sát doanh thu, nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, để chống nạn trộm cắp và quấy rối tình dục trên xe buýt là việc không đơn giản.

Ông Khánh cho biết hiện nay, SaigonBus có 364/670 xe buýt đã được lắp đặt camera giám sát. Trong đó, các xe bán vé tự động và 3 tuyến có nhân viên soát vé đã gắn camera. Tuy nhiên, gần 100% số camera lắp đặt đều “offline” - nghĩa là hình ảnh và dữ liệu trên xe được truyền tải về trung tâm điều khiển nhưng phải hết ngày mới kiểm tra. Do đó, dù có tình huống trộm cắp hay sàm sỡ trên xe buýt thì cũng không thể xử lý ngay được.

Riêng tuyến số 1 (lộ trình Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn), SaigonBus đã thử nghiệm gắn camera truyền tải hình ảnh trực tuyến từ đầu năm 2015. Song, đến nay, công ty chưa phát hiện trường hợp trộm cắp hay quấy rối tình dục nào.

Cũng cho rằng mục tiêu chống “dê xồm” trên xe buýt qua camera là khó thành, một tài xế chạy tuyến 19 (lộ trình Bến Thành - ĐHQG TP HCM) cho biết tình trạng sàm sỡ, móc túi thường chỉ diễn ra khi xe buýt có đông người. Trong khi đó, các camera được gắn cố định ở đầu xe và cửa sau nên khi hành khách đứng chen nhau thì không thể quan sát hết.

“Nếu camera có theo dõi được đối tượng trộm cắp hay sàm sỡ trên xe thì cũng khó xử lý vì hết ngày mới có thể kiểm tra dữ liệu. Trong khi đó, mỗi ngày có hàng trăm tuyến xe hoạt động thì sẽ tốn rất nhiều thời gian để kiểm tra. Trường hợp hành khách phát hiện trực tiếp những đối tượng này, chúng tôi cũng chỉ có quyền yêu cầu xuống xe chứ không thể làm gì” - tài xế này phân vân.

Trong khi đó, nữ sinh Phan Thị Diệp (sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) thắc mắc: “Gắn camera trên xe buýt rồi chống quấy rối tình dục như thế nào? Nếu trường hợp đối tượng sàm sỡ đeo khẩu trang hoặc che mặt thì sao có thể xác định được?”.

Trường hợp phát hiện kẻ quấy rối tình dục trên xe buýt thì ai có trách nhiệm đứng ra bảo vệ người bị hại cũng được đặt ra. Theo một tài xế chạy tuyến Bến Thành - An Sương, để nâng cao hiệu quả trong việc gắn camera trên xe buýt, cơ quan chức năng nên xem xét đặt thêm nút cảnh báo ở vị trí lái xe, nối với trụ sở công an để tài xế có thể thông báo ngay cho lực lượng chức năng khi phát hiện “dê xồm”, “đạo chích”... Khi đó, nếu camera ghi lại được hình ảnh thì sẽ có bằng chứng để xử lý đối tượng theo quy định.

Hà Nội gắn camera trên xe buýt từ năm 2012

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Transerco đã tự bỏ ra kinh phí và triển khai lắp đặt camera trên một số tuyến xe buýt do DN này phục vụ ở địa bàn thủ đô.

Hoạt động thí điểm lắp camera xuất phát từ việc Transerco thấy cần thiết phải tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Camera được lắp trên các tuyến xe buýt nhằm ghi lại hình ảnh những chiếc vi phạm để xử lý, như: Sai giờ xuất, về bến; dừng đỗ, mở cửa khi xe chạy, chạy quá tốc độ...

Trước đó, từ năm 2012, Transerco cũng đã thí điểm ứng dụng camera kết nối GPS trên tuyến xe buýt số 2 và 32; trang bị bộ đàm cho đội ngũ điều hành và kiểm tra giám sát...

                                                                                                        Th.Dương


PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội:

Giải pháp tình thế

Việc trang bị camera trên xe buýt có thể nói là một trong những giải pháp nhưng thiết nghĩ giải pháp này cũng chỉ mang tính tình thế. Thực tế cho thấy kẻ cắp hay kẻ quấy rối khi muốn hành động sẽ có đủ cách để qua mặt mọi người theo kiểu của mình và theo điều kiện xung quanh. Đó là chưa kể, ý thức cộng đồng của nhiều người chưa cao nên nếu có phát hiện được kẻ trộm cắp, quấy rối tình dục trên xe buýt thì xử lý các đối tượng này thế nào cũng là điều không dễ.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận việc gắn camera trên xe buýt sẽ ít nhiều làm kẻ xấu chùn tay. Ngoài ra, đây cũng là bằng chứng để nạn nhân có thể khiếu nại khi bị xâm hại.

Vì vậy, bên cạnh hoạt động gắn camera giám sát trên xe buýt, điều quan trọng là các cơ quan có trách nhiệm phải tăng cường kiểm tra, thực thi nhiệm vụ của mình thì chủ trương này mới thực sự phát huy hiệu quả. Trên hết, mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ mình, có sự đồng cảm với người xung quanh, có trách nhiệm với cuộc sống thì tình trạng trộm cắp, quấy rối trên xe buýt mới được cải thiện.

Chị Nguyễn Mỹ Linh - ngụ quận 8, TP HCM:

Khó quan sát hết

Tôi thường xuyên đi xe buýt tuyến Bến xe quận 8 - ĐHQG TP HCM. Kẻ móc túi, sàm sỡ chẳng dại gì chọn lúc xe buýt vắng người mà hành động. Chúng thường lựa thời điểm xe đông khách, hành khách chen chúc nhau mới bắt đầu giở trò. Trong khi đó, camera lại được gắn ở tuốt trên cao thì không thể quan sát hết được và càng không có bằng chứng để xử lý những đối tượng này.

Gắn camera trên xe sẽ hiệu quả trong việc kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế và nhân viên nhưng để chống nạn trộm cắp, quấy rối tình dục thì rất khó. Theo tôi, việc gắn camera chỉ có thể tạo “đòn” tâm lý để những đối tượng trộm cắp, quấy rối biết kiêng dè.

Chị Bùi Thanh Hồng (ngụ quận 10, TP HCM): “Xe buýt vào giờ cao điểm chật như nêm, thậm chí đứng sát bên cũng không thể phát hiện được người cạnh mình bị sàm sỡ hay móc túi. Vì vậy, khó mà trông chờ được gì từ các camera”.