Dân Việt

Phóng viên chiến trường Nick Út: Từ bom đạn chiến trường đến tài tử, giai nhân Hollywood

21/06/2015 08:09 GMT+7
Phóng viên ảnh Nick Út cầm máy trong chiến tranh Việt Nam với tác phẩm Napalm Girl (Em bé Napalm) đoạt giải Pulitzer danh giá dành cho báo chí năm 1973.
Phóng viên ảnh Nick Út cầm máy trong chiến tranh Việt Nam với tác phẩm Napalm Girl (Em bé Napalm) đoạt giải Pulitzer danh giá dành cho báo chí năm 1973. Sau này ông trở thành người được các tài tử, giai nhân ở kinh đô điện ảnh Hollywood yêu mến.

Nick Út vừa tham gia hai sự kiện liên quan đến các tác phẩm của ông tại TP.HCM và Hà Nội, trong đó bức Em bé Napalm đấu giá được 250 triệu đồng.

Ông dành cho Thể thao & Văn hóa Cuối tuần cuộc trò chuyện vào sáng 14/6 trước khi lên máy bay trở về Mỹ, nơi ông đang sống và làm việc cho Hãng thông tấn AP.

Được tài tử, giai nhân Hollywood “mê”

Thường thì, mỗi phóng viên ảnh có một thế mạnh riêng, ông nổi tiếng về ảnh chiến trường rồi, vậy làm sao hòa nhập với thế giới người nổi tiếng của Hollywood?

- Tôi thấy mình là người may mắn. Trong chiến tranh Việt Nam, tôi bị thương hai lần, tôi cho rằng bị thương như vậy đã là may mắn. Vì như nhiều người nói rằng, trong các cuộc giao tranh, phóng viên ảnh như tôi ở giữa hai làn đạn, nên đạn nó né mình chứ mình khó mà né nó được. Anh trai tôi là phóng viên ảnh chiến trường Huỳnh Thanh Mỹ, cũng làm cho Hãng AP, đã tử nạn trong chiến tranh Việt Nam khi đang tác nghiệp. Sau khi anh Mỹ mất, tôi mới được Hãng AP nhận vào thay cho anh Mỹ, lúc đó tôi 16 tuổi.

Nhờ những bức ảnh tôi chụp trong chiến tranh Việt Nam, nổi tiếng nhất là Napalm Girl, nên tôi được nhiều người biết mặt. Khi qua Mỹ chụp hình ở Hollywood, tôi có nhiều thuận lợi, nhờ những gì mình đã chụp trong chiến tranh, các minh tinh ở đây nhìn thấy mặt là biết Nick Út. Rất nhiều tài tử, giai nhân nổi tiếng hàng đầu Hollywood muốn được tôi chụp hình cho họ. Thậm chí, họ chỉ yêu cầu tôi chụp ít thôi, thời gian còn lại họ mời tôi ăn cơm và chuyện trò là chính. Hiện, tôi còn lưu rất nhiều hình của những người nổi tiếng đã qua đời, ví dụ như ca sĩ Michael Jackson.

img

Phóng viên ảnh Nick Út (phải) tặng sách Phóng viên ảnh Nick Út - huyền thoại giản dị tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Cuốn sách này do phóng viên ảnh Giản Thanh Sơn biên soạn và NXB Thông tấn ấn hành

 

Ồ, chụp hình ở Hollywood xem ra nhẹ nhàng hơn làm phóng viên ảnh chiến trường rất nhiều?

- Chiến tranh hết sức nguy hiểm cho sinh mạng của bất cứ ai. Nhưng chụp hình ở Hollywood cũng không phải lúc nào cũng dễ chịu, thoải mái như nhiều người nghĩ. Trong chiến tranh, bom đạn cản trở phóng viên ảnh. Còn tại Hollywood, phóng viên ảnh phải đối mặt với paparazzi (thợ săn ảnh). Hiện nay, khi điện thoại thông minh tràn lan, phóng viên ảnh còn bị cản trở bởi một rừng điện thoại chụp hình nữa.

Thật khó chịu khi bức hình của mình chụp bị các cánh tay cầm iPhone chen ngang. Vì chụp bằng điện thoại, nên người chụp tìm mọi cách đứng gần nhân vật, còn mình thì đứng xa nên khó chịu vô cùng. Với các paparazzi, họ tác nghiệp nhiều khi bất chấp xung quanh, miễn làm sao đạt được bức hình mà họ mong muốn.

Có lần tôi bị paparazzi đạp ngã xuống cầu thang khi anh ấy đang mê mải chụp hình. Mà thôi, cũng nên thông cảm cho họ, vì ai cũng cần một việc làm để sinh sống và khẳng định giá trị của bản thân.

Hẳn là nhuận ảnh được trả rất cao ở Mỹ nên các paparazzi mới tác nghiệp “bạo liệt” như thế?

- Tất nhiên rồi, nhiều bức ảnh của paparazzi có giá cao kinh khủng đến không thể tin nổi. Bạn có biết Phil Rammey không? Tay này hiện là paparazzi số một thế giới đấy, Phil Rammey có một hãng riêng chuyên cung cấp ảnh, ở nhà 10 triệu USD luôn. Khi mới vào nghề, Phil Rammey dùng cái máy hình “cùi bắp” lắm, anh ta còn không biết sử dụng nên nhờ mình chỉ. Vậy mà Phil Rammey kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ chụp được hình Michael Jackson. Khi bán được bức hình này, đêm nào Phil Rammey cũng mời tôi đi ăn đến độ… mập ú.

Tôi cũng không hiểu nhiều hãng thông tấn, các tờ báo ở Âu Mỹ tại sao lại thích dùng hình của paparazzi nữa. Nhưng các bạn paparazzi kinh khủng lắm, họ đầu tư phương tiện hành nghề không thiếu thứ gì, kể cả thuê ô-tô giá 200 ngàn USD/chiếc để tiếp cận đối tượng. Tôi ngồi trên cái xe 200 ngàn USD nhiều khi không dám lái. Cho nên tôi từng bị một paparazzi đạp lọt xuống cầu thang khi chụp hình tại Hollywood là vì vậy.

img

Nick Út và bức Napalm Girl, tác phẩm tạo nên tên tuổi của ông

 Nghĩa là các paparazzi hay những tay máy freelancer ở Mỹ sống rất khỏe bằng nhuận ảnh mà không bị ràng buộc thời gian với bất kỳ nơi nào khác để nhận lương?

- Không hẳn như vậy. Làm paparazzi hay chụp ảnh kiểu freelancer phải thật giỏi mới sống tốt. Không giỏi thì các hãng thông tấn, các báo không gọi (mua ảnh), đồng nghĩa với không có việc làm, hình bán không được.

Ở đâu cũng cần dùng người giỏi nhưng tôi thấy ở Mỹ là rõ nhất, làm không giỏi thì không cạnh tranh nổi với những người giỏi hơn mình.

Thấy ông cũng đang dùng iPhone quẹt quẹt lướt web, xin hỏi ông thích đọc báo giấy hay báo mạng?

- Tôi thích đọc báo giấy hơn, chắc tôi lớn tuổi nên giữ thói quen này, chứ các bạn trẻ hiện nay chỉ đọc trên điện thoại.

Tuy nhiên, cũng tùy vùng mà thói quen đọc báo giấy hay báo mạng khác nhau. Tôi đi Trung Quốc đại lục, đặc khu Hong Kong thấy rất nhiều người đọc báo giấy, gần như đại đa số đều cầm trên tay tờ báo khi ngồi uống nước. Còn ở Mỹ thì rất khó bắt gặp báo giấy trên tay người đọc. Có lẽ xã hội Mỹ vận động quá nhanh, ai cũng tất bật công việc nên họ không có nhiều thời gian để cầm tờ báo giấy ngồi ở quán nước nhâm nhi.

Tôi thích đọc báo giấy cũng còn vì, tôi thích xem ảnh trên báo giấy hơn trên mạng, ảnh in càng to tôi càng thích.

img

Bức ảnh Nick Út chụp Paris Hilton cũng nhằm ngày 8.6 sau 35 năm chụp bức Napalm Girl

 

Cầm iPhone chụp lại Trảng Bàng

Trong chuyến trở lại Trảng Bàng, nơi hơn 40 năm ông chụp bức hình Napalm Girl, Hãng thông tấn AP muốn ông dùng iPhone để chụp lại những thay đổi của mảnh đất này. Vì đâu một phóng viên ảnh chuyên nghiệp như ông lại dùng điện thoại chụp hình thay vì dùng các loại máy hình chuyên nghiệp?

- Đồ nghề của tôi nếu chất vào ba lô cho một chuyến tác nghiệp phải vài chục kg. Tôi có một cái máy ảnh với ống kính nặng hơn 10 kg. Nhiều đồng nghiệp Mỹ cao to, một tay không thể nhấc lên nổi cái ba lô của tôi.

Đồ nghề là thế, nhưng đôi lúc tôi chỉ dùng iPhone vì tính cơ động của nó. Nhất là chụp xong chỉ cần một phút là truyền hình đi ngay. Với chuyến trở về Trảng Bàng lần này, không gian thoáng đãng nên tôi có thể dùng iPhone tác nghiệp thoải mái, khác với chụp hình các nguyên thủ phải đứng từ xa nên dùng máy hình và ống kính chuyên nghiệp.

Chiếc iPhone ông đang dùng hẳn là đời mới nhất để có được bức hình đẹp?

- Ồ, không phải iPhone xịn nhất đâu. Tôi đang dùng iPhone 5, Hãng AP “nghèo” nên chưa kịp trang bị iPhone 6 cho tôi (cười). Nói vui thế thôi, chứ tôi không phải là người mê công nghệ để chạy theo công nghệ như một loại thời trang. iPhone 5 hay 6 suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện, vấn đề sử dụng phương tiện đó như thế nào. Một bức hình đẹp hay không là do người chụp chứ đâu phải do cái máy.

Bức ảnh Kim Phúc và bức ảnh Paris Hilton

Trong cuộc triển lãm ảnh của Hãng AP tại Hà Nội vừa khai mạc, ông đánh giá thế nào từ góc nhìn của người trong cuộc?

- Triển lãm của AP tại Hà Nội rất thành công vì nhận được sự quan tâm của nhiều người, Hãng AP và cá nhân tôi rất mừng. AP cũng là hãng thông tấn nước ngoài đầu tiên đặt văn phòng tại Hà Nội. Riêng tôi được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông cùng quê Long An với tôi. Người Nam Bộ khi nói chuyện thân tình, gần gũi thường xưng hô: “mày, tao”. Ông Trương Tấn Sang gặp tôi và nói: “Tao biết mày. Giọng Long An của mày không thay đổi gì mấy”. Tôi mong gặp lại ông Trương Tấn Sang nhiều lần hơn nữa.

Trở lại công việc của ông trong chiến tranh Việt Nam và tại Hollywood hiện nay, trong hai thời đoạn này của nghề, kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất?

- Tôi nhớ về sự ngẫu nhiên trùng hợp. Khoảng 12h ngày 8.6.1972, tôi chụp một bé gái bị bom napalm chạy trên quốc lộ đoạn qua Trảng Bàng (Tây Ninh), bức Napalm Girl. Đúng 35 năm sau, cũng tầm 12h ngày 8.6, tôi là một trong hai người chụp được cảnh ngôi sao Paris Hilton bị còng tay dẫn vào tù vì tội uống rượu nhưng lái xe. Khi đó có khoảng 300 phóng viên ảnh bao vây nhà riêng của bà chủ hệ thống khách sạn Hilton - kể cả dùng máy bay trực thăng để chụp hình - khi cảnh sát đến áp giải ngôi sao này vào tù. Ngôi nhà được bọc bằng vải đen kín mít, Paris Hilton được hộ tống với rất nhiều ô dù nên không thể chụp được mặt cô ta. Rất may, khi cô nàng ngồi trong xe và nhìn thấy cha mẹ mình đang đứng gần đó, cô đã bật khóc. Tôi chỉ có vài giây để ghi hình. Gương mặt Paris Hilton khóc giống như gương mặt Kim Phúc Napalm Girl đã khóc 35 năm trước. Sự ngẫu nhiên này khiến tôi nhớ mãi.

Làm phóng viên ảnh như ông đi rất nhiều nơi và rất lâu ngày, ông lại nổi tiếng có nhiều fan nữ yêu mến. Xin hỏi làm sao để vợ ông không ghen?

- Vợ tôi quê Hà Đông nên tôi hay đùa “dữ như sư tử Hà Đông”. Lúc đầu vì tôi đi suốt thì bà có ghen. Nay cưới nhau mấy chục năm, có hai mặt con rồi, nên đã hết ghen. Với lại, tôi làm phóng viên, có khi xách ba lô đi nửa năm mới về, biết chồng đi làm việc nên lâu ngày bà không ghen nữa.