Dân Việt

“Lấy chồng làm báo sướng hay khổ?”

P.Bình 21/06/2015 12:52 GMT+7
Với câu hỏi này, nhiều người vợ có chồng là nhà báo chỉ biết khái quát trong 3 từ: “Lắm nỗi lo”: Lo bị kẻ xấu đe dọa, lo tai nạn trong tác nghiệp, lo vất vả đêm hôm, thậm chí là lo cả chồng “vấp phải… mỹ nhân”!

Áp lực từ nghề của chồng

“Lấy chồng làm báo thì lắm nỗi lo nhưng bản thân tôi thấy may mắn và tự hào khi lấy được người chồng là một nhà báo. Hàng năm, vào Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi luôn cố gắng tổ chức bữa tiệc nho nhỏ để gia đình quây quần bên nhau, là dịp để chúc mừng chồng đã hoàn thành nhiệm vụ và chia sẻ cùng chồng những khó khăn, vất vả trong công việc”, chị T.T.T, vợ của nhà báo Quốc Cường, Báo điện tử Dân trí bắt đầu câu chuyện với chúng tôi khi nói về nghề của chồng.

img

Nhà báo Quốc Cường, luôn vững tâm với nghề vì có vợ bên cạnh động viên, chia sẻ.

Chị T tâm sự, tự hào là vậy nhưng chị cũng luôn sống trong những lo lắng, bởi lẽ chồng chị là một nhà báo theo mảng điều tra. Lo lắng cho chồng khi anh thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm trong công việc, không ít lần anh nhận được những bức thư, những cuộc điện thoại đe dọa.

“Những lúc như thế, tôi lại nghĩ, giá như chồng đừng làm báo, cứ làm một viên chức bình thường, sáng đi, chiều về thì đỡ bớt nỗi lo. Hoặc có làm báo thì chọn lĩnh vực khác để đỡ va chạm, đỡ bị đe dọa. Tuy nhiên, những nỗi lo đó cũng chỉ là thoáng qua trong một phút chốc nào đó, bởi tôi hiểu, đằng sau sự vất vả của chồng rất cần một người vợ ở bên cạnh.

Nghề nghiệp đã chọn anh như vậy thì cần phải động viên để anh cố gắng, chứ nỗi lo không chỉ cho chồng mà còn lo cho cả chính mình và những đứa con khi phải chịu áp lực từ chính công việc mà anh đang làm. Mỗi lần như vậy anh cũng thường xuyên gọi điện về nhắc nhở vợ con phải cẩn thận khi ra ngoài đường”.

Đặc thù công việc của anh thường xuyên phải đi công tác xa nhà, có những lúc anh đi biền biệt cả tháng trời, bao nhiêu công việc trong nhà đều một tay chị đảm đương. Vất vả nhất là những lúc con ốm, con đau, người ta có vợ có chồng, mỗi người một tay chăm lo cho con, còn chị thì chỉ một mình đêm hôm lọ mọ tự lo lấy.

Nhưng vượt lên những khó khăn, thiệt thòi, trong mắt chị, “chồng tôi vẫn là con người giàu tình cảm, hết mực thương yêu vợ con… và bản thân tôi vẫn luôn tự hào về nghề của chồng”.

10 năm thay chồng làm cha các con

 img

Chị Thu Hà: “Lấy chồng làm báo phải chấp nhận sự thiệt thòi”

Đan xen nhiều cảm xúc khác nhau khi nói về nghề nghiệp của chồng, chị Nguyễn Thu Hà, vợ của nhà báo Trường Giang, Báo Pháp luật Việt Nam cũng luôn thường thực những nỗi lo âu.

“Ngày xưa đang yêu nhau thì tôi vẫn luôn nghĩ, khi lập gia đình thì chắc là chồng sẽ sắp xếp công việc để lo cho vợ, cho con được. Nhưng chỉ được vài năm, khi yêu cầu của công việc nhiều hơn, anh cũng đi triền miên tháng ngày.

Cả tháng mà anh ăn cơm ở nhà được vài hôm, có khi vừa về đến nhà, cầm bát cơm lên thì điện thoại lại kêu inh ỏi. Sau cuộc điện, anh lại vội vã đi, lại mấy ngày sau mới về nhà. Nói thật, có nhiều khi cũng buồn và giận chồng lắm, nhưng thấy chồng vất vả đêm hôm, cũng vì công việc, vì mưu sinh thì lại thương anh ấy vô cùng. Tôi nghĩ, nghề báo là một nghề cao quý trong nhiều thứ nghề”, chị Hà chia sẻ.

Chị Hà cho biết, hơn 10 năm lấy chồng, nhưng trong gia đình, mọi công việc chị lo thay cả trách nhiệm của người chồng, người cha: “Thời gian anh ấy đi rất nhiều, đó là đặc thù của công việc rồi nên mọi sự vẫn từ mình hết. Lấy chồng làm báo, lại làm ở mảng pháp luật, bạn đọc, nhiều khi anh cũng lo lắng về những lời đe dọa từ các đối tượng bị phản ánh trên mặt báo. Ngoài những nỗi lo thì mình phải chấp nhận sự thiệt thòi về mặt tinh thần. Chỉ mong, anh luôn bình yên và thành công trong công việc”.

Lo chồng không qua được... “ải mỹ nhân"

img

Chị Phương Thúy: “Chồng làm báo không bao giờ nhàm chán trong câu chuyện với gia đình”

Còn với chị Trần Phương Thúy, vợ của nhà báo Vũ Minh Tiến, Ban thư ký Báo Lao động thủ đô, khi chia sẻ về câu hỏi “Lấy chồng làm báo, sướng hay khổ?” chị bảo: “Để trả lời câu hỏi này với tôi không phải là dễ. Chúng ta cứ thử tưởng tượng thế này: Trong những dịp quan trọng nhất của gia đình, kể cả lễ tết, thậm chí những lúc sinh con, người chồng đều có thể vắng mặt do phải đi công tác dài ngày. Những chuyến đi ấy cứ nối tiếp nhau, hết ngày này qua tháng khác và rất nhiều lúc, tôi phải làm thay chồng những công việc của người đàn ông trong gia đình. Chồng xách balo lên rồi đi là những lúc người vợ ở nhà nơm nớp lo âu, từ chuyện tàu xe, ăn uống đến những hiểm nguy có thể sẽ gặp phải trong quá trình tác nghiệp. Lo lắng đến khi chồng trở về còn nguyên vẹn”.

Chị Thúy hài hước chia sẻ: “Nghề báo là nghề vật lộn với những con chữ, có những mối quan hệ chồng chéo và không có hạn định về thời gian. Những mối quan hệ phức tạp trong xã hội và những hệ lụy sau mỗi bài báo của chồng làm tôi luôn phải suy nghĩ. Làm phụ nữ, ai cũng biết ghen cả, huống gì chồng mình lại là người giao tiếp rộng rãi cùng với đủ thành phần trong xã hội.

Nhiều khi tôi cũng sợ cái duyên nói chuyện của những ông chồng làm báo lắm nhưng mà khi xác định lấy nhau, tôi đã biết nén cơn ghen của mình lại. Nhiều lúc tôi cũng rất giận về những tin nhắn, cuộc điện thoại, email… đầy tình cảm của một người nào đó với chồng, nhưng tôi đã biết kiềm chế những điều đó lại. Bởi, so với cơn ghen của các bà vợ được ví như “bão lớn” thì tôi chỉ là “gió thoảng” thôi”.

“Và đến giờ, khi chồng tôi không còn phải đi triền miên nữa, về làm công tác biên tập thì lại liên tục phải về muộn vì phải trực báo cho kịp phát hành vào hôm sau. Tuy nhiên, lấy chồng làm báo cũng có nhiều điều thú vị vì người làm báo cũng rất thú vị. Họ có những thông tin mới, nhanh nhạy với thời cuộc và không bao giờ nhàm chán trong câu chuyện với gia đình”, chị Thúy tâm sự.

Mỗi ngày chỉ cần…3 tin nhắn

img

Nhà báo Nguyễn Đức Tuyền trong một chuyến đi tác nghiệp.

Khi nói về chồng, chị Trịnh Hồng Phương, vợ Nhà báo Nguyễn Đức Tuyền, báo Đại Đoàn Kết cười tủm tỉm: “Biết nói sao về nghề của chồng mình nhỉ? Có lẽ cũng như bao người vợ khác, nói về chồng làm báo thì tôi thấy đi nhiều và bận rộn thôi. Nhiều lúc cứ cảm tưởng như chồng mình không làm gì vì suốt ngày đi ngoài đường, nay đây, mai đó. Đi cả tháng trời, từ đồng bằng, lên miền núi nhưng thời gian ở bên vợ lại chẳng được bao nhiêu”.

“Nhưng tính tôi ít khi quan tâm chồng đang làm gì, ở đâu, thậm chí là đi với… cô nào. Nhiều khi bạn bè cũng trêu rằng, để chồng đi nhiều dễ mất lắm, nhưng tôi chả… sợ. Tôi không bao giờ ghen tuông và có nguyên tắc sống riêng với chồng. Anh ấy đi đâu chỉ cần bảo anh đi công tác và đi bao nhiêu ngày để tôi chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân đầy đủ là được.

Trong thời gian văng nhà, mỗi ngày nhắn cho vợ 3 cái tin đang ở đâu và ăn cơm chưa thôi. Tôi nghĩ như thế bởi vì sao? Vì nghề nghiệp của chồng như thế, có quản lý cũng không được và tốt nhất là không cố gắng để quản lý. Ông bà mình bảo “lạt mềm buộc chặt” chẳng sai tí nào đâu.

À, có một lần tôi cũng nghe đồn đoán chồng “đi với cô này, cô kia” nhưng tôi chỉ nhắn tin, anh làm gì nhưng đừng mang bệnh tật về nhà, đừng gửi con ở nhà nội hay ngoại là được. Tất nhiên, nói thì nói vui như thế chứ tôi luôn tin ở chồng mình. Trong gia đình, anh ấy là người trụ cột, cố gắng để cho vợ con được đầy đủ thì mình phải tạo điều kiện để chồng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nghĩ, cuộc sống cứ thoải mái như thế cho dễ sống”