Dân Việt

“Kỹ sư” của làng

13/06/2011 16:11 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 1979, anh Phạm Văn Lý nhập ngũ. Bốn năm sau, anh xuất ngũ với thương tật 61%. Trở về quê, chứng kiến cảnh quê hương nghèo đói, người thân lam lũ đã thôi thúc người thương binh hạng 2/4 tìm ra con đường thoát nghèo.

Từ huyện Yên Định, gia đình anh lên làng Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy ở cùng tỉnh Thanh Hóa theo chính sách kinh tế mới.

Những năm cuối thập kỷ 80, đến mùa gặt, nhìn cảnh bà con dân tộc Mường và cả vợ con mình còng lưng gánh lúa về, xoài người ra đập kẹp thùm thụp, anh Lý thương vợ con nao lòng. Với trăn trở ấy, anh bắt tay vào chế tạo máy tuốt lúa. Ban đầu là máy đạp bằng chân, sau đó anh tiếp tục cải tiến cho máy nhỏ gọn, tiện dụng hơn và chạy bằng động cơ điện. Sản phẩm ấy của anh đã giúp bà con vơi bớt cơ cực.

img

Anh Phạm Văn Lý.

Năm 1993, khi quyết định đầu tư xây lò gạch ngói, anh khăn gói ra tận Hương Canh (Vĩnh Phúc) để học nghề. Những viên ngói từ lò của anh đã khoác “màu áo mới” cho những ngôi nhà ở miền sơn cước này. Cho đến tận ngày hôm nay, về xã Cẩm Bình, nhìn những mái ngói được xây dựng từ thập kỷ 90 thế kỷ trước, mọi người vẫn tấm tắc ngợi khen "gạch làng Tô"...

Khi xưởng gạch của anh đang ăn nên làm ra thì lũ sông Mã tràn về dữ dội. Sau vài ngày lụt, cơ ngơi của anh chỉ còn lại đống bùn đất nhão nhoẹt. Thời điểm 1995, số nợ của gia đình anh lên tới 270 triệu đồng. Bán cả nhà đi trả nợ, gia đình anh dọn về một túp lều ở tạm.

Không đầu hàng số phận, sau khi kinh qua nhiều nghề: Sửa xe, xay xát, kinh doanh thuốc trừ sâu… anh quyết định bám trụ với nghề chế tạo, cải tiến máy nông nghiệp. Ngoài vốn vay ưu đãi thương binh, anh huy động vốn của người thân, của hàng xóm. Những thành công liên tiếp trong việc cải tiến máy vò lúa, máy bóc vỏ sắn, máy băm cỏ, máy lồng ruộng... đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu đáng kể.

Hiện nay, tổng số vốn của gia đình anh Lý lên đến gần 700 triệu đồng. Xưởng máy có 5 nhân công, thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng.