Những bà mẹ “siêu” nhiều con
Ngôi nhà Vàng Anh lọt thỏm một góc trong khuôn viên Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (Hải Phòng) nhưng lúc nào cũng ồn ào nhất làng bởi tiếng la hét, hờn khóc của trẻ con. Chị Đoàn Thị Thái (45 tuổi) một tay ôm đứa nhỏ 11 tháng tuổi ho quặt quẹo, một tay đẩy xe lăn cho một bé trai bị bại não ra trước màn hình TV. Chị đã phụ trách nhà Vàng Anh được gần chục năm. Cả nhà có 7 trẻ, trừ cháu nhỏ nhất trí tuệ bình thường mắc tim bẩm sinh, còn lại 6 cháu đều bị bại não, nằm liệt giường.
Ngày nào chị Thái cũng quanh quẩn với những đứa trẻ vô thức này, lúc thì nấu nướng, cho ăn, khi lại lau chùi, thay quần áo, có đứa gào khóc thì ra vỗ về, nửa đêm con đau cũng phải dậy nắn bóp, lật người để thay đổi tư thế nằm cho các con...
“Một mẹ có con thơ đã vất rồi, con lại bị khuyết tật thì càng khổ. Nhà tôi có đến 7 đứa con tật nguyền” – chị Thái bùi ngùi.
Quá lứa lỡ thì, năm 36 tuổi chị Thái được người giới thiệu vào làm việc trong Làng trẻ này, nói là công việc nhưng thực chất là vào sống trong làng trẻ, trở thành một người mẹ thực sự của các con và xác định gắn bó cả đời ở đó. “Các con đều rất đáng thương, tôi chăm các cháu bằng tâm chứ chưa bao giờ nghĩ đó là nghề để kiếm tiền” – chị Thái nói.
Mẹ Phạm Thị Hường (SN 1955, ở Thanh Miện, Hải Dương) đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn được giữ lại làng trẻ SOS Hải Phòng. Cô Hường cho biết, đại gia đình của cô hiện có tới 27 con dâu, rể và cháu nội, ngoại. Đó là “thành tích” lớn lao nhất trong suốt 20 năm làm mẹ nuôi của cô.
Khó tuyển mẹ nuôi
Không có chồng, không có con riêng, không bị ràng buộc, được anh em nội ngoại đồng ý, dưới 40 tuổi, có sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm… và đặc biệt phải yêu trẻ. Với những điều kiện tương đối khắt khe, việc tuyển được các mẹ nuôi vào làm việc trong các trung tâm bảo trợ trẻ em, làng trẻ SOS không hề dễ dàng gì.
Mẹ nuôi Đỗ Thị Thắng (54 tuổi, quê ở Thanh Lương, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã làm việc 18 năm trong làng trẻ SOS nhưng mức lương của chị hiện tại cũng chỉ được 4 triệu đồng/ tháng. “Những công việc khác, dù vất vả thế nào cũng chỉ ngày làm 8-10 tiếng, nhưng việc chăm sóc và nuôi dạy các con là 24/24 giờ không lúc nào được buông lỏng. Phải có tình yêu đối với trẻ mới trụ được với nghề này. Tôi đã chứng kiến rất nhiều mẹ nuốt nước mắt ra đi vì không thể chịu được những áp lực công việc” - chị Thắng nói.
Bà Lương Thị Hảo – Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng cho biết, việc tuyển dụng các bà mẹ nuôi luôn là bài toán khó, thời điểm này trung tâm đang thiếu 1 mẹ nuôi nhưng đăng tuyển nửa năm nay cũng không được. “Lương trợ cấp là một phần, nhưng các điều kiện khác cũng rất đặc thù. Có người có 1 con riêng thiết tha được vào làm nhưng chúng tôi không thể đồng ý vì có con riêng rồi thì không thể toàn tâm, toàn ý chăm sóc trẻ được...” – bà Hảo nói.
Còn theo ông Tăng Tiến San – Giám đốc Làng trẻ SOS Hải Phòng thì: “Làng cũng cố gắng có những đãi ngộ với các mẹ sau khi nghỉ hưu như xây nhà “hưu trí” ngay trong làng cho các mẹ, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe… Nhưng có mẹ nghỉ là làng trẻ lại toát mồ hôi đi tìm người thay thế. Nhưng có khi chờ dài cổ vẫn không có người đủ sức khỏe, đủ nhiệt tình, sẵn sàng hy sinh vì các con”.